Đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam còn tăng
Vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã có thay đổi gì kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (KVFTA) có hiệu lực vào cuối năm 2015 và Trung tâm Hỗ trợ KVFTA được thành lập vào tháng 3/2016, thưa ông?
Việt Nam hiện là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ tư của Hàn Quốc. Trong khi đó, trong 3 quý đầu năm 2016, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 50 tỷ USD. Đáng chú ý, nhiều tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Posco, Lotte, CJ, Daesang Corp đang dự định đầu tư thêm vào Việt Nam.
Đặc biệt, việc KVFTA có hiệu lực vào cuối năm 2015 và việc Trung tâm Hỗ trợ KVFTA được thành lập vào tháng 3/2016 đã tác động rất tích cực tới các doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam. Tôi cho rằng, đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới còn tăng vì có nhiều công ty muốn mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhiều tập đoàn công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, như Samsung hoặc LG. Đặc biệt, năm 2016, nhiều công ty vệ tinh của Hàn Quốc đã đăng ký và đầu tư vào Việt Nam nhằm đáp ứng các nhu cầu về thiết bị phụ trợ của Samsung và LG.
Vậy ông có kỳ vọng gì vào dòng đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam trong năm nay và những năm tới?
Samsung và LG - hai tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin - đã đầu tư rất lớn vào Việt Nam trong năm 2016, góp phần làm tăng mức đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam.
Giờ đây, Samsung và LG đã nằm trong số các nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu tại Việt Nam. Nếu như trong năm 2015, Samsung Display Việt Nam đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào Việt Nam, thì LG đầu tư vào đây khoảng 1,5 tỷ USD. Điều này có nghĩa là, Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc.
Là một người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, tôi hy vọng rằng, Việt Nam có thể thu hút thêm vốn đầu tư từ Hàn Quốc trong thời gian tới.
Việt Nam là thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp Hàn Quốc kinh doanh và đầu tư, phát triển lớn mạnh. Do những điểm tương đồng về văn hóa và giáo dục, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc không gặp phải nhiều rào cản lớn tại Việt Nam. Trong khi đó, quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam sẽ đem lại nhiều lợi ích lớn hơn cho cả hai bên.
Như ông vừa nói, Việt Nam đang rất hấp dẫn doanh nghiệp Hàn Quốc. Vậy doanh nghiệp Hàn Quốc đang quan tâm nhất những lĩnh vực nào tại Việt Nam?
Chúng ta đều biết rằng, việc ký kết KVFTA đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy, các dự án của Hàn Quốc tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực trọng tâm, như công nghiệp chế biến, sản xuất công nghiệp, kinh doanh bất động sản, công nghiệp xây dựng.
Với lộ trình giảm thuế theo cam kết của KVFTA và những chính sách ưu đãi mà Việt Nam đã và sẽ áp dụng, có thể dễ dàng nhận thấy, ngành năng lượng tại Việt Nam sẽ có thể thu hút các nhà đầu tư Hàn Quốc.
Trong mắt nhà đầu tư Hàn Quốc, thị trường Việt Nam có tầm quan trọng như thế nào, thưa ông?
Như tôi đã nói, Việt Nam hiện là đối tác đầu tư ra nước ngoài lớn thứ tư của Hàn Quốc. Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, các ưu đãi có tính cạnh tranh, dân số trẻ, dồi dào và tăng trưởng kinh tế ổn định.
Ngoài ra, Việt Nam đang trở thành thị trường rất tiềm năng cho doanh nghiệp Hàn Quốc vì người Việt Nam thân thiện và có nhu cầu cao về các sản phẩm của Hàn Quốc.
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá rằng, Việt Nam cũng có các lợi thế khác về lực lượng lao động qua đào tạo, chi phí lao động rẻ và người Việt Nam cũng rất chăm chỉ.
Đó chính là những lý do tại sao Việt Nam được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn lớn đối với các nhà nước ngoài, trong đó các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Ngoài các xung lực như KVFTA và Trung tâm Hỗ trợ KVFTA, ông có cho rằng, cần có thêm giải pháp để tăng cường thu hút vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam?
Một trong những điểm chung và các doanh nghiệp Hàn Quốc thường băn khoăn khi xem xét đầu tư vào Việt Nam là sự minh bạch, rõ ràng, đồng nhất trong chính sách và việc đơn giản hóa các chính sách cũng như các thủ tục hành chính - vốn đang được coi là còn khá rườm rà tại Việt Nam.
Mặc dù Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải thiện chính sách và các thủ tục hành chính, nhưng vẫn chưa đủ. Bởi vậy, để có thể thu hút thêm nhiều vốn đầu tư nước ngoài, trong đó có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách kinh tế và cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh.