Đề xuất cho thu phí giao thông... ùn tắc
Đề xuất này dựa trên quan điểm “người sử dụng phương tiện phải trả phí cho việc sử dụng đường tương ứng với việc ùn tắc do chính phương tiện gây ra”.
Hệ thống này bao gồm 3 phần là: các cổng ERP kiểm soát lưu thông đặt trên các tuyến đường hay xảy ra ùn tắc; thiết bị thu phí gắn trên phương tiện và thẻ nạp tiền; hệ thống máy tính trung tâm để kiểm soát.
Với hệ thống thu phí này, chủ phương tiện chỉ cần đến ngân hàng phát hành thẻ nạp tiền vào thẻ, khi phương tiện chạy qua vị trí đặt cổng ERP thì thiết bị thu phí gắn trên phương tiện sẽ tự động trừ tiền trong thẻ. Nếu thẻ không đủ tiền hay phương tiện không gắn thiết bị thu phí chạy qua cổng ERP sẽ bị camera đặt tại đây thu hình ảnh về trung tâm kiểm soát.
Ngoài ra, người ta có thể lập trình hệ thống hoạt động trong những quãng thời gian nhất định. Ví dụ như hạn chế đi lại trên tuyến đường này từ 9 - 11h thì chỉ trong thời gian này, hệ thống cổng ERP mới thực hiện việc thu phí. Nhờ đó, việc thu phí sẽ trở nên dễ dàng, khoa học và ít tốn nhân công.
Ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TPHCM lấy điển hình là tại Singapore, người ta đặt đến 68 cổng thu phí ERP trên các tuyền đường hay ùn tắc, giúp kiểm soát tốt hoạt động giao thông trên cả đảo quốc nhưng chỉ cần 65 nhân sự.
Ông Phượng cho biết: “Ở Singapore, để giảm xe cá nhân, người ta đã tiến hành thu phí ùn tắc từ năm 1975. Ban đầu thu bằng phương pháp thủ công, cần nhiều nhân sự, khó quản lý và không tiện lợi cho người lái xe. Đến năm 1998 thì thay thế bằng hệ thống thu phí điện tử ERP này”.
Và khi Singapore áp dụng hình thức thu phí này, phương tiện giao thông vào khu trung tâm đã giảm đến 20% khi không thu phí. Mặt khác, nó còn giúp giảm lượng xe lưu thông trong giờ cao điểm, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng, hạn chế sự phát triển của xe ô tô cá nhân.
Ngoài ra, khoản tiền thu được từ nguồn thu này là khá cao. Ông Phượng cho biết: theo mô hình triển khai tại Singapore thì chi phí đầu tư xây dựng hệ thống ERP vào khoảng 197 triệu SGD (gần 2.500 tỷ đồng); chi phí vận hành khoảng 8 triệu SGD/năm (khoảng 100 tỷ đồng) nhưng nguồn thu trung bình hàng năm là khoảng 144 triệu SGD.
Như vậy, mỗi năm sẽ có thêm một nguồn ngân sách lớn để đầu tư phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng. Biện pháp này cũng tránh được việc đánh thuế sử dụng phương tiện giao thông đồng loạt vào tất cả mọi người.
Với những ưu điểm trên, đây là một trong những giải pháp mà Sở GTVT TPHCM đánh giá là khả thi, có thể áp dụng tại TPHCM. Trước hết, Sở kiến nghị UBND TP giao cho Viện Nghiên cứu phát triển TP thực hiện đề tài nghiên cứu quy hoạch, bố trí hệ thống thu phí trên địa bàn TP sau đó mới tổ chức thí điểm.