Đi chợ được “cấp vốn”

Đi chợ được “cấp vốn”
Hâm nóng quan hệ
 
Lòng tin và sự ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã thực sự tạo nhiều cơ hội cho những doanh nghiệp đưa hàng về nông thôn. Ông Phan Thế Hùng, tổng giám đốc công ty thuốc sát trùng Cần Thơ (CPC), đơn vị đã tự điều chỉnh mạng lưới phân phối ở nông thôn với các hình thức chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, tại chợ phiên thừa nhận: “Mỗi chợ phiên là một cơ hội củng cố mạng lưới phân phối, hâm nóng mối quan hệ với nông dân”. Tại Mỏ Cày Bắc, một nữ khách hàng quyết liệt mời đội tư vấn của CPC về nhà “nhậu” với ông xã một bữa để cảm ơn lời tư vấn khử ruồi đục quả. Ông La Văn Bé, phó giám đốc sở Công thương tỉnh Bến Tre, nói: “Cái đó, tụi tui coi là hiệu quả”. “Ở đây, đi chợ ghé vô sẽ được tư vấn kỹ thuật, coi như đi chợ được cấp vốn”, Hai Vĩnh ở xã Phú Sơn nói.
 
Ông Lương Vạn Vinh, tổng giám đốc công ty hoá mỹ phẩm Mỹ Hảo, cho rằng: “Khi đã có hàng tốt rồi, phiên chợ nông thôn là thước đo sự chịu khó của nghề bán hàng”. Ông Vinh cho biết hồi tổ chức phiên chợ ở Lục Ngạn, Bắc Giang, mạng lưới phân phối của Mỹ Hảo ở Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang được “vá lại’, nới rộng. Còn ông Nguyễn Công Tâm, đội trưởng đội bán hàng về nông thôn của nhựa Chí Thành, cho biết, đi từ Nam ra Bắc và trở về Mỏ Cày Bắc, việc cho đập nón bảo hiểm để phân biệt chất lượng, đổi nón cũ lấy nón mới đã giúp Chí Thành nhìn thấy rõ ràng lòng tin vào hàng nội hoá ở mỗi người mua hàng.
 
Bà Hai Trạng, tiểu thương bán bách hoá ở chợ Ba Vát, lưu ý: “Hàng Việt Nam mình, rất nhiều loại mới thấy mấy bữa nay. Không có chợ phiên, chưa chắc có ai tới treo hàng”.
 
Đến nhu cầu “nhân bản”
 
Bí thư huyện uỷ huyện Mỏ Cày Bắc, ông Vũ Thanh vui khi thấy dân chúng hài lòng: “Chợ phiên ba bốn ngày càng tốt. Lần sau chợ phiên ráng kéo dãn hai ngày một đêm mới được”. Trong khi đó, ông Hồ Văn Hùng, phó giám đốc trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư Vĩnh Long đã chọn một xã tiếp giáp ba huyện, hai tỉnh và sẽ mở ra nhiều điểm nữa để ban tổ chức chọn lựa nơi tổ chức chợ phiên ở Vĩnh Long trong tháng 9. Riêng ông Phan Kim Sa, phó giám đốc sở Công thương tỉnh Đồng Tháp và lãnh đạo huyện Tam Nông, Châu Thành muốn có hai phiên chợ để kích hoạt cho cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam.
 
Bà Vũ Kim Hạnh, chủ nhiệm câu lạc bộ Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết: “Sau sáu phiên chợ ở cả ba miền, ngày 22 – 23.8, chúng tôi tổ chức ngày hội hàng Việt ở khu kinh tế cửa khẩu An Giang. Sau đó sẽ họp các ban tổ chức địa phương trong mạng lưới tổ chức chợ phiên để có định nghĩa đầy đủ và chính xác nội dung chuỗi hoạt động này, khẳng định nội dung và giá trị pháp lý “gói kỹ thuật” khi nhân bản chợ phiên”.