Di dời nhà máy sản xuất dệt may khỏi TP.HCM
Cùng với việc phát triển quá “nóng” của ngành dệt may ở khu vực này, dẫn đến thiếu nguồn lao động, gây ô nhiễm môi trường. Trước thực trạng trên, việc liên kết giữa các địa phương trong khu vực được coi là giải pháp hữu hiệu cho vấn đề phát triển của ngành dệt may.
Ông Nguyễn Nam Hải, thứ trưởng bộ Công thương cho biết, từ nay đến năm 2015, các nhà máy, cơ sở dệt nhuộm sẽ được bố trí, di dời về các địa phương vùng vệ tinh của TP.HCM như Long An, Đồng Nai, Tiền Giang... TP.HCM sẽ đảm nhiệm vai trò là trung tâm dịch vụ thương mại, thiết kế mẫu và dịch vụ công nghệ dệt may, là đầu mối để tiêu thụ nguồn hàng. Tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam sẽ hình thành các khu công nghiệp in nhuộm tại huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) để di dời các cơ sở dệt nhuộm của TP.HCM ra. Ngoài ra, từ nay đến năm 2015, tại tỉnh Long An và Tiền Giang cũng sẽ được đầu tư xây dựng các khu, cụm công nghiệp dệt nhuộm.
Ngoài sự liên kết giữa các địa phương, tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng sẽ là hạt nhân trong việc triển khai xây dựng các dự án như: xây dựng hai trung tâm nguyên phụ liệu tại TP.HCM và năm dự án dệt nhuộm trọng điểm tại một số địa phương. Trong đó, dự án dệt nhuộm Việt Thắng tại TP.HCM sẽ được đầu tư nâng cấp đạt công suất 45 triệu m2/năm vào cuối năm 2010.