Điện tư nhân: Đường còn xa...

Điện tư nhân: Đường còn xa...

Việc Chính phủ đồng ý về nguyên tắc bảo lãnh tài chính cho dự án nhiệt điện Kiên Lương I được xem là một sự thay đổi đáng chú ý trong việc tạo điều kiện cho nhà đầu tư tư nhân trong nước tham gia đầu tư nguồn điện.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nấc thang đầu chứ chưa phải là điểm mấu chốt để các dự án tư nhân sẽ phát được điện và thu hồi vốn đầu tư.

Đột phá một nửa

Trước đó, việc Chính phủ giao cho Tập đoàn Tân Tạo lập dự án đầu tư dự án nhiệt điện Kiên Lương I công suất 1.200 MW và Kiên Lương II công suất 2.400 MW được xem là một bước đột phá mới. 
 
Nguyên do bởi các dự án điện có quy mô lớn từ trước tới nay vẫn được thực hiện bởi các doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Điện lực (EVN) hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản (TKV) hay các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong khi đó, kể từ khi dự án Phú Mỹ 2.2 và Phú Mỹ 3 do các nhà đầu tư nước ngoài triển khai theo hình thức BOT hoàn thành đàm phán với EVN về hợp đồng mua bán điện và Chính phủ Việt Nam về hợp đồng BOT với các điều khoản đảm bảo chuyển đổi ngoại tệ, cam kết trả tiền mua điện vào năm 2004-2005, tới nay vẫn chưa có thêm dự án điện BOT nào được triển khai. Chính bởi vậy mà việc huy động nguồn vốn tư nhân trong nước là cần thiết để xây dựng nguồn điện.

Nhưng bởi tính chất đặc biệt, tiêu thụ đồng thời với sản xuất, không tồn trữ được dưới bất cứ hình thức nào và nhu cầu của thị trường không ổn định tại các thời điểm khác nhau trong ngày nên không phải nhà máy điện nào cũng được huy động 24/24 giờ trong ngày. Vì vậy, chủ đầu tư các nhà máy điện sẽ phải thỏa thuận được trước các vấn đề liên quan như thời gian huy động nhà máy, sản lượng điện cung cấp và quan trọng nhất là giá điện với EVN để tính toán hiệu quả đầu tư. 

Tuy nhiên, với thực tế giá bán lẻ điện chưa theo cơ chế thị trường và mới đang chập chững bước theo cơ chế thị trường thì việc đàm phán giá bán điện là điều không phải ngày một, ngày hai mà kéo dài có thể tới 2-3 năm.

Thực tế đã cho thấy, việc đàm phán giá điện này chỉ được “du di” với các doanh nghiệp nhà nước, theo kiểu “lọt sàng, xuống nia”. Còn với các doanh nghiệp nước ngoài, nếu chưa đàm phán xong hợp đồng mua bán điện và tiếp đó là hợp đồng BOT thì chưa có chuyện khởi công xây dựng nhà máy bởi sản phẩm làm ra không biết bán cho ai!

Song, ngay chính các doanh nghiệp nhà nước dù thoát được cảnh bế tắc trong đàm phán giá điện trước khi xây dựng nhà máy thì có nhà máy rồi lại không thể vận hành có hiệu quả dự án. Nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2 của PVN là một ví dụ. 

Do tới nay vẫn chưa ký được hợp đồng mua bán điện mà nguyên nhân chính là các chi phí của nhà máy bị đội lên cao, khiến cho giá điện đầu ra thường cao hơn giá bán lẻ điện bình quân hiện nay. Vì thế, nhà máy với sản lượng điện huy động cả năm lên tới 10 tỷ kWh nhưng trên thực tế chỉ được huy động hết công suất vào những giờ cao điểm, còn lại chỉ duy trì cỡ 50% công suất.

Những bất đồng bởi một bên muốn mua điện giá thấp còn bên kia muốn bán điện giá cao không thể giải quyết được đã tốn nhiều thời gian của các cơ quan hữu trách lẫn các quan chức Chính phủ nhưng vẫn chưa đi đến hồi kết. Bởi vậy, Bộ Công Thương đã phải đề nghị Chính phủ chỉ cho phép khởi công các dự án điện nếu đã đàm phán xong giá điện.

Bài toán khó

Thực tế nói trên khiến dự án điện Kiên Lương mà Tập đoàn Tân Tạo đang lập dự án đầu tư đứng trước thách thức rất lớn là hoàn tất đàm phán giá điện trước khi khởi công nhà máy hay sẽ cứ xây dựng nhà máy mà chưa biết bán điện với giá nào? 

Cho tới thời điểm tháng 8/2009, Tập đoàn Tân Tạo cũng chưa có các khởi động cụ thể trong đàm phán giá điện với EVN. Đó là chưa kể, để đàm phán được giá điện với EVN thì giá than nhập khẩu đầu vào phải có nguồn đảm bảo và tính toán được chứ không thể ước lượng.

Và khi chưa đàm phán giá điện thì khó lòng tính được hiệu quả đầu tư của dự án để thuyết phục các ngân hàng cho vay tiền. Chưa kể, theo lộ trình thực hiện thị trường điện thì phải mất cỡ 15 năm kể từ khi thị trường điện cạnh tranh chính thức vận hành mới tiến tới giai đoạn nhà sản xuất tự bán điện tới hộ tiêu dùng cuối cùng. Còn bây giờ thị trường điện cạnh tranh vẫn chưa hoạt động lại sau khi bị dừng vào giữa năm 2007.

Trong trường hợp nhà máy vẫn được xây dựng và có được cơ chế bán điện trực tiếp tới hộ tiêu thụ thì tiêu thụ hết công suất cũng không phải là chuyện nhỏ. Nhất là khi nhu cầu tiêu dùng điện ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn thấp, chưa kể khu vực này đang có hàng loạt nhà máy điện quy mô 1.200 MW đang được nghiên cứu đầu tư. 
 
Việc đầu tư đường dây điện để bán được điện tới các hộ tiêu thụ lớn ở khu vực này sẽ khiến cho giá điện cao ngất, chưa tính tới chuyện nguyên liệu đầu vào của nhà máy này lại là than nhập khẩu có giá cao gần gấp đôi so với giá than nội địa đang bán cho ngành điện hiện nay. 
 
Mặt khác, với quy mô lên tới hơn 4.000 MW của Trung tâm nhiệt điện Kiên Lương thì việc đầu tư cảng than để nhập khẩu cả chục triệu tấn than/năm là rất tốn kém.

Kỳ vọng của các nhà đầu tư vào việc giá điện được “thị trường hóa” hoàn toàn không hề dễ triển khai trên thực tế. Hiện giá bán lẻ điện trong năm 2009 mới chỉ tăng lên khoảng 9% và có những thay đổi về giờ cao điểm sáng, thế nhưng áp lực giảm giá điện từ phía các doanh nghiệp lên Chính phủ đã không hề nhỏ.

Liên quan đến việc bảo lãnh của Chính phủ, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu không có nhà nước đứng sau thì tư nhân trong nước khó lòng triển khai được dự án có quy mô lớn như vậy. Theo tính toán hiện nay, với quy mô 1.200 MW, nhu cầu vốn đầu tư cho dự án này ít nhất cũng là 1,5 tỷ USD. Con số này nếu quy ra tiền Việt Nam theo tỷ giá hiện nay thì hơn 25.000 tỷ đồng. 
 
Như vậy, nếu Chính phủ chấp thuận bảo lãnh ở mức trên 50% tổng vốn đầu tư thì rất có thể dự án này lại lọt vào danh sách các dự án quan trọng quốc gia cần được trình ra Quốc hội xem xét bởi “quy mô hơn 20.000 tỷ đồng và có sử dụng trên 30% vốn nhà nước”.

Xem ra dự án điện Kiên Lương còn cả một chặng đường dài trước mắt cần phải vượt qua để có thể đạt được mục tiêu phát điện tổ máy đầu tiên vào năm 2013.

Đàm phán giá bán điện là điều không phải ngày một, ngày hai mà kéo dài có thể tới 2-3 năm.

1,5 tỷ USD là số vốn ít nhất đầu tư cho nhà máy điện Kiên Lương I.