Doanh nghiệp Anh quan tâm dự án PPP tại Việt Nam
Ông đánh giá như thế nào về cơ hội hợp tác kinh tế giữa Vương quốc Anh và Việt Nam, sau chuyến thăm và làm việc này?
Tôi nhận thấy, lĩnh vực tài chính và hạ tầng sẽ có nhiều cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp Anh và Việt Nam trong thời gian tới.
Hiện đã có nhiều tổ chức tài chính của Anh hoạt động tại Việt Nam và nhiều công ty khác của Anh cũng muốn tham gia thị trường này. Trong thời gian tới, nhiều tổ chức tài chính của Anh sẽ tích cực mở rộng hoạt động tại Việt Nam trong các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, quản lý tài sản, quỹ hưu trí…
Ngoài ra, lĩnh vực đầu tư hạ tầng tại Việt Nam cũng được nhiều doanh nghiệp Anh quan tâm. Hiện Việt Nam đang muốn kêu gọi đầu tư hạ tầng theo hình thức hợp tác công - tư (PPP). Đây là hình thức hợp tác đầu tư hạ tầng mà các doanh nghiệp Anh có nhiều kinh nghiệm và sẵn sàng tham gia. Hơn nữa, Anh đang hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện hệ thống luật pháp về PPP, nên đây là điều kiện tiên quyết để các doanh nghiệp Anh tham gia các dự án PPP tại Việt Nam.
Thưa ông, doanh nghiệp Anh muốn tham gia loại dự án cụ thể nào theo hình thức PPP tại Việt Nam?
Doanh nghiệp Anh quan tâm đến các dự án về hạ tầng giao thông, như đường sá, sân bay, đường sắt, metro và các công trình khác như bệnh viện, trường học, cao ốc văn phòng.
Qua chuyến làm việc tại Việt Nam, cũng như trao đổi với các doanh nghiệp Anh, tôi nhận thấy, Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành (Đồng Nai) và Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) rất thích hợp với hình thức đầu tư PPP mà các doanh nghiệp Anh quan tâm.
Tuy nhiên, chỉ khi Việt Nam hoàn thành khuôn khổ pháp lý về PPP, thì các doanh nghiệp Anh mới sẵn sàng tham gia đầu tư tại Việt Nam.
Khủng hoảng kinh tế châu Âu có ảnh hưởng đến ý định đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của các doanh nghiệp Anh không, thưa ông?
Tôi có thể khẳng định, việc các doanh nghiệp Anh có đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam hay không tùy thuộc vào điều kiện đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, chứ không phải là những tác động từ cuộc suy giảm kinh tế tại châu Âu.
Việt Nam là một nền kinh tế mới nổi, đã duy trì được tăng trưởng kinh tế cao trong thời gian dài. Đây còn là một thị trường rộng lớn, với 90 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ. Vì vậy, Việt Nam là thị trường được nhiều doanh nghiệp Anh quan tâm.
Trong chuyến làm việc tại Việt Nam lần này, tôi rất vui mừng chứng kiến việc Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại Vương quốc Anh tại Việt Nam (UKTI) và Hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV) ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ doanh nghiệp Anh quan tâm đến Việt Nam.
Trong chuyến làm việc tại Việt Nam lần này, tôi rất vui mừng chứng kiến việc Cơ quan Xúc tiến đầu tư và thương mại Vương quốc Anh tại Việt Nam (UKTI) và Hội Doanh nghiệp Anh tại Việt Nam (BBGV) ký kết biên bản ghi nhớ về hỗ trợ doanh nghiệp Anh quan tâm đến Việt Nam.
Làm sao để Việt Nam có thể thu hút hơn nữa đầu tư của doanh nghiệp Vương quốc Anh vào Việt Nam?
Việt Nam nên mở cửa hơn nữa cho lĩnh vực tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam nên mở rộng giới hạn góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng cao hơn mức 20% hiện nay. Ngoài ra, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách, như cải cách thủ tục hành chính, cải cách doanh nghiệp nhà nước (tập trung và ngành nghề chính, tránh đầu tư dàn trải) và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Đối với việc gọi vốn từ thị trường chứng khoán London, các công ty Việt Nam cần tiếp cận sâu hơn các tiêu chuẩn kế toán quốc tế. Các tổ chức tài chính Anh, như HSBC, Standard Chartered… có thể giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị của mình để đáp ứng nhu cầu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Luân Đôn (LSE).