Doanh nghiệp FDI lo ổn định nhân công
Ông Huỳnh Minh Quân, Tổng giám đốc Nhân Việt Management Group khẳng định, mức bảo hiểm xã hội phải đóng của người lao động tăng từ 1% hiện nay lên 2% trong năm 2012 theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2010, cùng với việc tăng lương tối thiểu hồi tháng 10/2011 chắc chắn sẽ tác động đáng kể đến hoạt động của doanh nghiệp, do quỹ lương tăng.
Ở góc độ cơ quan quản lý lao động, bà Nguyễn Thị Dâng, Trưởng phòng Chính sách lao động và Tiền lương (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM) cho rằng, mức lương tối thiểu do Nhà nước quy định là chỉ số để doanh nghiệp tham khảo, bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn xây dựng mức lương cao hơn.
Tuy nhiên, theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, đa phần doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực gia công may mặc, giày dép… xây dựng mức lương tối thiểu cho người lao động dựa trên quy định chung của Nhà nước.
Đánh giá về tác động của việc tăng lương đến hoạt động của doanh nghiệp, một cuộc khảo sát nhanh gần đây do UNDP và Ford Foundation tài trợ, thực hiện tại các khu công nghiệp ở TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai và một số khu công nghiệp phía Bắc đã cho thấy, năm 2010, doanh nghiệp tăng lương ít nhất 2 lần và thu nhập của công nhân tăng 8 - 12%; năm 2011, có ít nhất 3 lần tăng, nên thu nhập của công nhân trong 2 năm qua đã tăng 20 - 30%, khiến tổng chi phí đầu vào của doanh nghiệp tăng khoảng 2%.
Liên quan đến việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp nên xem xét chia sẻ với người lao động, bởi việc tăng mức đóng bảo hiểm xã hội đồng nghĩa với thu nhập của công nhân giảm.
Tuy nhiên, bà Trần Thị Hà Bình, Trưởng quản lý Công ty TNHH PungKook Sài Gòn III (chuyên gia công ba lô, túi xách) cho biết, PungKook Sài Gòn hiện có 5 nhà máy, với khoảng 16.000 công nhân, đó là chưa kể 2.000 công nhân dự kiến sẽ được tuyển mới trong năm 2012 khi nâng công suất nhà máy tại Bến Tre, nên việc hỗ trợ người lao động phần đóng bảo hiểm tăng thêm là điều không khả thi. Do đó, biện pháp mà công ty này áp dụng là dựa trên năng suất lao động để nâng phụ cấp nhằm đảm bảo thu nhập của công nhân.
Về phần mình, ông Từ Khắc Huy Vũ, Giám đốc về Môi trường và Xã hội của Công ty Adidas Việt Nam cho biết: "Hiện có 104 nhà máy gia công hàng cho Adidas tại Việt Nam, với hơn 140.000 lao động. Việc nâng lương tối thiểu và tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội khiến chi phí lao động tăng mạnh, gây khó cho doanh nghiệp trong việc triển khai kế hoạch sản xuất và kiểm soát chi phí để kinh doanh có lãi. Trước mắt, Adidas sẽ cùng các đối tác nghiên cứu mức tăng giá tiêu dùng và tình hình các đơn hàng để xác định mức chi trả phù hợp cho công nhân".
Một trong những đối tác của Adidas tại Việt Nam là Công ty Pouchen (Đài Loan, nhà máy đặt tại TP.HCM) cho biết, Pouchen đang cân nhắc vấn đề lương công nhân và hiện chưa có kế hoạch tuyển dụng mới, do đơn hàng trong quý I/2012 đã giảm gần 30%.