Doanh nghiệp Italy tìm kiếm cơ hội hợp tác tại Đà Nẵng
3/2016, Bộ Ngoại giao, UBND TP. Đà Nẵng cùng Đại sứ quán Cộng hòa Italy tại Việt Nam đã tổ chức Toạ đàm Cơ hội hợp tác kinh tế giữa Đà Nẵng và Italy.
Thông tin về quan hệ giao thương giữa Đà Nẵng và Italy, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Phùng Tấn Viết cho biết, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố sang Italy ước đạt 3,6 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 3,5 triệu USD. Mặt hàng xuất khẩu chính là dệt may, thủy sản, cần câu cá, thủ công mỹ nghệ. Mặt hàng nhập khẩu chính là thuốc tây, thiết bị điện, phụ tùng, nguyên phụ liệu may.
Đến thời điểm này, Đà Nẵng có 3 dự án đầu tư của Italy trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ với tổng số vốn là 1,1 triệu USD, gồm công ty sản xuất găng tay và sản phẩm bảo hộ lao động, công ty điêu khắc đá mỹ nghệ, công ty kinh doanh nhà hàng, cà phê, đồ uống, thuốc lá điếu sản xuất trong nước.
Theo bà Cecilin Piccicni, Đại sứ Cộng hòa Italy tại Việt Nam, doanh nghiệp Italy và Đà Nẵng có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác và đầu tư trong 6 lĩnh vực mà Italy có thế mạnh và sự tương đồng giữa hai bên. Đó là: Du lịch, thể thao, môi trường, công nghệ cao, đào tạo và chống biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, theo bà Cecilin Piccicni, một lĩnh vực quan trọng mà Italy có thể hợp tác với Đà Nẵng là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, giữa hai bên có hệ thống sản xuất tương đối giống nhau. Mặt khác, đây lại là một lĩnh vực mà Italy đã rất thành công khi triển khai, từ đó bà Cecilin Piccicni tin tưởng rằng sẽ hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp Đà Nẵng xây dựng các mô hình điều hành thành công trong tương lai.
Thông tin về mối quan tâm của các nhà đầu tư Italy tại thị trường Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, Đại diện Thương vụ Italy tại Việt Nam cho biết các nhà đầu tư Italy rất quan tâm về những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia các thoả thuận thương mại vừa ký kết và các chính sách ưu đãi của địa phương dành cho nhà đầu tư.
Cụ thể, khi tham gia vào các thoả thuận thương mại, Việt Nam sẽ đối mặt với thách thức cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng khắt khe của các đối tác giao thương. Từ đó, các doanh nghiệp từ Italy sẽ là những đối tác lý tưởng cung cấp cho các doanh nghiệp Việt Nam về kỹ thuật, công nghệ, máy móc sản xuất để đáp ứng các điều kiện trong các thoả thuận thương mại.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư của Italy cũng đang dịch chuyển địa điểm sản xuất tại một số thị trường truyền thống ở châu Á về Việt Nam vì nhận thấy một số tiềm năng về môi trường đầu tư và chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp Italy, Thương vụ Italy mong muốn chính quyền TP. Đà Nẵng cung cấp đầy đủ thông tin và có các chính sách ưu đãi hợp tác cho các nhà đầu tư Italy.
Ông Nguyễn Hoàng Long, quyền Cục trưởng Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) hy vọng sau chuyến thăm Đà Nẵng, các doanh nghiệp Italy sẽ tìm được đối tác phù hợp cũng như khám phá nhiều cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh tại TP. Đà Nẵng, từ đó giúp giới thiệu nhiều doanh nghiệp Italy đến với Đà Nẵng hơn nữa.