Doanh nghiệp khốn khổ vì hàng nghìn điều kiện kinh doanh được ban hành trái luật
Phớt lờ Luật Đầu tư mới
Tại Hội thảo “Điều kiện kinh doanh: Nhận diện và kiến nghị” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng nay, 14/06/2016, Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc, cho biết, trước đây bất cứ bộ ngành, địa phương nào cũng có thể đặt ra điều kiện kinh doanh (ĐKKD), nhưng Luật Doanh nghiệp 2014 không cho phép các bộ, ngành địa phương làm điều đó. Chính phủ cũng đã kiên quyết cắt bỏ các ĐKKD, loại bỏ giấy phép con, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng còn nhiều những thách thức mà doanh nghiệp phải đối mặt, đó là 5.826 ĐKKD đang được áp dụng đối với 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư 2014.
“Sau khi Luật Đầu tư 2014 được ban hành, nhiều bộ, ban ngành vẫn quy định điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền, điều này là không thể hiểu nổi và cũng không thể chấp nhận nổi, các bộ ban ngành vẫn vô tư ban hành coi như chưa có Luật Đầu tư mới”.
Ông Lộc cũng cho rằng, thủ tục hành chính vẫn còn rườm ra, đặc biệt là việc chồng chéo trong thanh kiểm tra đang là mối lo ngại hàng đầu của doanh nghiệp. Các bộ ngành chưa đánh giá tính hợp lý, hiệu quả về các quy định ĐKKD, chưa tách bạch cụ thể với tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, sự lẫn lộn này là nguy cơ làm phức tạp thêm ĐKKD lẽ ra là không cần thiết. Nhiều ĐKKD vẫn như cũ mà chưa được xem xét loại bỏ. Mặc dù Luật Đầu tư đưa ra 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhưng nếu ngành nghề nào không nhất thiết phải có điều kiện kinh doanh thì cũng nên kiên quyết loại bỏ.
“Luật Đầu tư 2014 có hiệu lực gần 1 năm nay, đáng lẽ các bộ ngành phải vắt chân lên cổ mà cắt bỏ các điều kiện kinh doanh không cần thiết, đằng này lại cứ ung dung. Chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong phiên họp Chính phủ tháng 5 vừa qua thì mới vắt chân lên cổ,” ông Vũ Tiến Lộc bức xúc.
Bị đánh tráo khái niệm
Theo TS. Nguyễn Am Hiểu, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC), mỗi hoạt động kinh doanh cần những điều kiện khác nhau, nhưng quan trọng là phân biệt loại điều kiện nào cần và không cần một thủ tục xác nhận.
"Thủ tục xác nhận ấy gọi là gì giấy phép hay chứng chỉ, ai là người xác nhận, nhà nước hay tổ chức nghề nghiệp?", TS Hiểu đặt câu hỏi.
Với kinh nghiệp trên 30 năm công tác tại Bộ Tư pháp, TS. Nguyễn Am Hiểu cho rằng bản chất của thị trường là tự do kinh doanh, tuy nhiên quyền tự do nào của một người luôn bị hạn chế bởi quyền tự do của người khác, và trong những điều kiện nhất định quyền tự do bị giám sát bởi quyền lực nhà nước. “Vì vậy, khái niệm điều kiện kinh doanh đang được bàn là khái niệm “bị đánh tráo”. Cái mà chúng ta đang bàn thật ra là nhà nước can thiệp vào các hoạt động kinh doanh như thế nào là hợp lý trong phát triển kinh tế thị trường,” TS. Nguyễn Am Hiểu nói.
Tại Hội thảo, LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, cho rằng mỗi ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong Luật Đầu tư năm 2014 có thể tương ứng với một hoặc hàng chục điều kiện kinh doanh khác nhau. Hàng chục ngành, nghề kinh doanh và hàng nghìn điều kiện kinh doanh đã trái, đang trái và sẽ tiếp tục đứng trước nguy cơ trái luật. Nhưng việc ban hành các ĐKKD đã là trái luật suốt 16 năm qua chứ không phải chờ đến ngày 01/07/2016, thời điểm các giấy phép con phải được bãi bỏ. Lý do là ngay khoản 5, Điều 7 về “Ngành, nghề và điều kiện kinh doanh”, Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ: Bộ, cơ quan ngang Bộ, HĐND và UBND các cấp không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.
Trước đó, Nghị định số 03/2000?NĐ-CP ngày 03/02/2000 của Chính phủ cũng đã quy định rõ: Các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, ngành hoặc các cấp chính quyền địa phương ban hành mà không căn cứ vào luật, pháp lệnh, nghị định quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh các ngành, nghề đó đều không có hiệu lực thi hành.”
Khoản 3, Điều 7 về “Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”, Luật Đầu tư năm 2014 chỉ nhắc lại quy định nêu trên mà thôi. Suốt 16 năm, số giấy phép con do các bộ, ngành và chính quyền địa phương ban hành trái luật không những không giảm đi mà còn không ngừng tăng với con số lên đến khoảng 4.000 điều kiện kinh doanh trái luật.
“Không ai có thể tưởng tượng được là có đến hàng nghìn ĐKKD được ban hành một cách trái luật như hiện nay, đó là điều tôi không thể hiểu nổi. Hiện nay bất kể những gì ban hành ngoài 267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại Luật Đầu tư 2014 đều là trái pháp luật”, LS. Trương Thanh Đức nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, doanh nghiệp có lẽ sẽ không quá sợ ĐKKD nếu nó được ban hành một cách minh bạch, thay vì ban hành một cách khó hiểu như hiện nay, gây bất lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Ông Đậu Anh Tuấn cũng bày tỏ lo ngại về chất lượng các Nghị định khi tính đến nay đã có 50 Nghị định, trong đó 38 Nghị định đã trình Chính phủ. Khối lượng Nghị định nhiều đến mức Bộ Tư pháp phải thẩm định tới 44 Nghị định trong một tuần. Trong khi đó, chỉ có 24/50 Nghị định được lấy ý kiến từ đại diện cộng đồng doanh nghiệp là VCCI.