Doanh nghiệp là một động lực quan trọng để cải cách thể chế

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ điều này  tại Hội thảo quốc tế “Khát vọng Việt Nam 2035, vai trò của DN và yêu cầu hiện đại hóa thể chế” do VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức ngày 30/5.

 
Theo ông Vũ Tiến Lộc, đây là lần đầu tiên, Việt Nam có một báo cáo triển vọng kinh tế mang tính dài hạn, định hướng tầm nhìn 20 năm. Điều này rất quan trọng với niềm tin của cộng đồng DN, doanh nhân. Vì các DN Việt Nam cần một tầm nhìn dài hạn, có tính chiến lược, lâu dài chứ không chỉ ngắn hạn.
 
Thực tế, DN ngày càng được coi trọng trong chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ. TS Vũ Tiến Lộc dẫn Văn kiện Đại hội Đảng 12 đã có những định hướng rất quan trọng và được nêu trong Báo cáo 2035: Xác định DN là nòng cốt, đi đầu, tiên phong trong phát triển nền kinh tế.
 
Chủ tịch VCCI cũng đánh giá cao các Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh và Nghị quyết 35/NQ-CP về phát triển DN của Chính phủ. Đồng thời, cộng đồng DN ghi nhận quyết tâm của Thủ tướng về một Chính phủ liêm chính, lấy người dân làm đối tượng phục vụ.
 
“Để hướng tới một Chính phủ chuyên nghiệp phải có thời gian, nhưng là một Chính phủ tận tâm, thật sự hướng đến người dân và DN để làm tròn bổn phận của mình thì cần phải thực hiện ngay”, ông Lộc nói.
 
Cùng đánh giá cao vai trò của DN, bà Victoria Kwakwa – Phó Chủ tịch phụ trách khu vực Đông Á của WB cho rằng: DN tư nhân phải là một phần quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam, là chìa khóa để đạt được mục tiêu phát triển trong tương lai. Do đó, nhiệm vụ của Nhà nước là phải hỗ trợ khối DN tư nhân phát triển, để từ đó, đến lượt mình các DN tư nhân sẽ thúc đẩy cả nền kinh tế đi lên mạnh mẽ.
 
Báo cáo Việt Nam 2035 cũng nêu ra những mặt hạn chế và nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế. Ông Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Thông điệp quan trọng nhất của báo cáo này là đổi mới, đổi mới mạnh mẽ, liên tục đổi mới là yêu cầu quan trọng nhất để phát triển. Thực tế, việc tốc độ tăng năng suất cao, yếu tố tổng hợp (TFP) của Việt Nam có xu hướng giảm. Nếu không cải cách thể chế thì Việt Nam có nguy cơ bị tụt hậu hơn nữa.
 
Báo cáo cũng thẳng thắn chỉ ra thực trrạng đang diễn ra về việc thiên vị các DN nhà nước hay DN tư nhân có quan hệ thân hữu với nhà nước, đã làm giảm khả năng của cơ quan nhà nước trong việc ban hành các quy định phù hợp tối ưu với nguyên tắc quản lý kinh tế lành mạnh, làm méo mó thị trường.
 
TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng: Thực tế hiện nay cũng đã có sự cải cách thay đổi, nhưng tốc độ vẫn ở mức “từ từ”. Ngay cả việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ, lãnh đạo chỉ đạo rất quyết liệt với tinh thần cải cách hướng tới giảm rủi ro, chi phí cho DN. Nhưng khi triển khai không ít bộ vẫn chưa thực hiện tốt. Ví dụ như quy định về mức giới hạn và kiểm tra hàm lượng formaldehyt, giảm bớt rủi ro, DN đã có nhiều ý kiến đóng góp hợp lý, thậm chí Chính phủ trực tiếp chỉ đạo, nhưng Bộ liên quan ban hành quy định vẫn làm theo ý mình và công chức thực hiện vẫn “không bị sao cả”! Từ ví dụ đó, cho thấy, sức ỳ của cơ quan nhà nước, nếu không có áp lực đủ lớn từ bên ngoài, từ cộng đồng DN, yêu cầu hội nhập, chịu trách nhiệm giải trình đủ nghiêm khắc, sẽ rất khó tự thay đổi vì trách nhiệm kém và lo mất lợi ích cá nhân khi cải cách.