Doanh nghiệp miền Trung tan tành trong bão lũ
Cơn bão số 9 đã làm gián đoạn hoạt động của các khách sạn tại miền Trung, nhất là những khu resort gần biển. Hôm 29/9, giữa lúc bão hoành hành dữ dội nhất, UBND thị xã Hội An (Quảng Nam) đã phải tổ chức di dời hàng trăm khách du lịch nước ngoài đang trú ở những khách sạn ven biển, đến nơi an toàn như trụ sở ủy ban, nhà dân. Hầu hết điểm lưu trú ở thị xã du lịch này đóng cửa. Đến sáng nay các khách sạn đang tiến hành khắc phục thiệt hại nhanh nhất để mau chóng hoạt động lại.
Ông Lê Văn Tùng, Kế toán trưởng resort Palm Garden ở Hội An kể lại, mặc dù chỉ nằm tại khu vực chịu ảnh hưởng của bão số 9 nhưng khu du lịch này vẫn bị thiệt hại nặng. Khoảng từ 2h sáng đến 17h chiều hôm qua, gió bão rất mạnh, mưa to cộng với sóng biển dâng cao dội vào các khu vực phòng gần biển. Hệ thống khóa từ bị thấm nước hư hỏng toàn bộ. Đến sáng nay nhân viên resort vẫn chưa vào được các phòng này để tiến hành kiểm kê thiệt hại và sửa chữa.
Toàn bộ cây cối trong khuôn viên khu du lịch bị gãy đổ. Khoảng 10% mái ngói tại các khu vực trung tâm như đại sảnh, nhà hàng... bị gió mạnh bốc đi. Trong lúc bão tấn công, Palm Garden Resort đã phải di dời khách đến chỗ an toàn và yêu cầu hạn chế đi ra ngoài.
Do ảnh hưởng bão, khoảng 80% lượng đặt phòng tại đây đã bị hủy. Thống kê sơ bộ, thiệt hại của khách sạn lên đến 2 tỷ đồng. "Palm Garden Resort đang gấp rút tiến hành sửa chữa để mau chóng phục vụ khách hàng", ông Tùng cho biết.
Gió bão bốc tung chiếc ôtô đang chạy trên đường. Ảnh: Trí Nguyễn |
Còn tại khách sạn Victoria Hội An Beach Resort & Spa ở thị xã Hội An, trong khuôn viên vẫn còn ngổn ngang nhiều cành cây gãy, toàn bộ cây cối trong vườn ngã đổ. Một số phòng khách bị tốc mái, bể kính, nước ồng ộc tràn vào phòng.
Nhớ lại quang cảnh tan tác vì bão số 9, bà Phạm Hồng Trang, Giám đốc Lưu trú của khu Victoria vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà kể, gió mạnh và sóng to đã thổi tung cát biển phủ trùm lên toàn bộ khuôn viên vườn của khách sạn. Cát tràn vào cả trong bể bơi và một số phòng. Trận cuồng phong qua đi, khắp bãi biển lềnh khênh rất nhiều rác bị sóng đánh dạt vào bờ.
Theo bà Trang, khách sạn hiện vẫn chưa thống kê được mức thiệt hại. Tuy nhiên tỷ lệ khách hủy phòng hai ngày nay đã lên đến 100%. Khách sạn Victoria Hội An đã chủ động thông báo đến các công ty du lịch về tình trạng của khách sạn và đề nghị chuyển khách đến những nơi lưu trú khác. Bà Trang cho biết: "Mặc dù ngay trong ngày hôm nay đã có khách du lịch đến đặt phòng nhưng khách sạn tiến hành đóng cửa trong vòng một tuần để thực hiện công tác sửa chữa".
Đến sáng 30/9, liên lạc điện thoại đến khách sạn Sơn Trà Resort & Spa ở thành phố Đà Nẵng vẫn chưa kết nối được. Còn nhân viên của Furama Resort Đà Nẵng cho biết khách sạn chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, chủ yếu là một số cây trong khuôn viên bị gãy đổ. Đại diện khách sạn Life Resort Quy Nhơn thì chia sẻ do Bình Định không nằm trong tâm bão nên mức độ thiệt hại ít. Lượng khách đến đây còn tăng hơn do lượng khách đến khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng không được đã chuyển sang Bình Định.
Nhiều công sở tại Quảng Ngãi sáng nay (01/10/2009) gần như chưa mở cửa làm việc lại vì đã bị gió bão tàn phá, tốc mái, hư hỏng bảng hiệu; trong khi đó nhiều công ty ở Đà Nẵng hoạt động chủ yếu là khắp phục hậu quả bão gây ra. Anh Thái Minh Quân, giám đốc một công ty dược phẩm tại Đà Nẵng thở dài cho biết, toàn bộ bảng hiệu công ty đã bị gãy đổ. Cửa kính vỡ, nước tràn vào các phòng làm việc gây hỏng hóc, chập điện tất cả máy tính dù đơn vị đã phòng chống bằng cách kê kích lên cao.
"Khổ hơn nữa là sáng nay gọi thợ sửa chữa nhưng không một thợ nào nhận lời vì họ đắt hàng quá: nhiều công ty khác cũng bị thiệt hại tương tự", anh Quân nói. Kết quả là ông giám đốc này phải cho nhân viên tạm nghỉ ít hôm chờ khắc phục xong thiệt hại.
Trong khi đó, đại diện một ngân hàng tại Đà Nẵng cho biết, toàn bộ kính cửa, panô, bảng hiệu của 6 phòng giao dịch nhà băng bị vỡ, hỏng, gãy đổ tan hoang. Nhiều buồng máy rút tiền tự động ATM bị gió giật tung cửa, vỡ tường. Đến sáng nay, ngân hàng quyết định tạm đóng cửa một vài buồng ATM để sửa chữa. "Cũng may rút kinh nghiệm hồi cơn bão Xangsane mấy năm trước nên công tác phòng chống lần này chặt chẽ hơn, đặc biệt là công tác bảo hiểm nên hạn chế được thiệt hại", đại diện ngân hàng này nói.
Chi nhánh Dung Quất của Ngân hàng Liên Việt cũng chuẩn bị từ trước nên thiệt hại về vật chất không đáng kể. Đại diện ngân hàng cho biết ngay khi nghe tin có bão vào miền Trung, đã quyết định cho dỡ toàn bộ biển hiệu, banner, băng-rôn, gia cố cửa kính. Các thiết bị, máy móc được ngắt điện vào chiều trước ngày bão tới và di chuyển lên khu vực cao hơn.