Doanh nghiệp ngoại mất tích

Doanh nghiệp ngoại mất tích

Hệ lụy không chỉ Nhà nước thất thu thuế, đối tác mất vốn mà còn khiến nhiều công nhân bơ vơ... Mới đây, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai đã rút giấy phép 17 dự án FDI mà chủ nhân đã bỏ trốn để lại nợ thuế, nợ lương công nhân, nợ đối tác...

“Vườn không nhà trống”

 

128 DN gia công bỏ trốn nợ 400 tỉ đồng thuế

Theo bà Đoàn Phi Vân - phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP.HCM): chỉ tính riêng trong lĩnh vực gia công, hiện có 128 DN FDI bỏ trốn khỏi địa chỉ đăng ký kinh doanh, không thực hiện thanh khoản hợp đồng gia công. Nợ thuế lên đến hơn 400 tỉ đồng.

Những ngày cuối tháng 11- 2012, khi chúng tôi tìm đến trụ sở Công ty TNHH quốc tế APL (100% vốn Malaysia) ở KCN Gò Dầu (Đồng Nai), nơi đây chỉ còn lại một nhà xưởng đầy bụi bặm và vài bộ phận máy móc trong dây chuyền sản xuất găng tay cao su do chủ DN là người Malaysia để lại.

Một cán bộ quản lý trong KCN Gò Dầu lắc đầu: “Trước khi họ đi, chúng tôi để ý thấy có hiện tượng hoạt động chậm dần, sau đó ông chủ của họ về nước trước rồi các cán bộ quản lý dần dần tan rã theo. Khi họ di chuyển máy móc ra ngoài, chúng tôi hỏi thì họ nói mang đi sửa. Đến khi công ty ngừng hoạt động hẳn, công nhân kêu cứu... thì họ đã cao chạy xa bay”.

Tình cảnh này xảy ra không chỉ ở APL. Tìm đến một số địa điểm trong danh sách các DN bỏ trốn, nếu trước đó cảnh công nhân nhộn nhịp thì nay các DN này chỉ còn trơ lại những nhà xưởng hoang tàn, đổ nát. Tài sản ít ỏi họ để lại là những máy móc, thiết bị chẳng thể bù vào các khoản nợ thuế Nhà nước, nợ lương công nhân...

Trong số 17 DN có vốn FDI bị rút giấy phép đầu tư tại Đồng Nai lần này, phần lớn đều nợ thuế, nợ lương công nhân và chủ nhân đều bỏ về nước không làm thủ tục giải thể. Như Công ty TNHH K. Y. Seritech VN chuyên sản xuất linh kiện điện tử đã âm thầm di dời máy móc thiết bị ra khỏi KCN Amata.

Chủ đầu tư bỏ về Canada không liên lạc được. Theo thống kê, công ty này có tổng số nợ thuế, lương công nhân hơn 620 triệu đồng. Trước sự mất tích lâu năm của chủ đầu tư này, chính quyền địa phương buộc phải thanh lý hợp đồng thuê đất, đấu giá một số ít ỏi tài sản là máy móc thiết bị mà công ty này bỏ lại để bù đắp các khoản nợ.

Tương tự tại TP.HCM, danh sách DN bỏ trốn với một đống nợ nần để lại ngày một dài ra. Sở Kế hoạch và đầu tư TP.HCM cho biết đang rà soát lại tất cả các dự án DN bỏ trốn, vắng chủ để tiến hành thu hồi dự án. Hầu hết DN bỏ trốn đều để lại số nợ thuế rất lớn. Điển hình là trường hợp của Công ty TNHH Silver Star VN (100% vốn Hàn Quốc, trụ sở tại quận Bình Tân) hoạt động trong lĩnh vực dệt may còn nợ số thuế trên 29,6 tỉ đồng. Mới đây, khi cơ quan hải quan đến xác minh trụ sở của DN này thì chỉ còn là... “vườn không nhà trống”. Thậm chí máy móc cũng đã bị chủ DN bán tẩu tán trước khi về nước.

Chủ công ty dệt áo len xuất khẩu Magnicon VN cũng đã bỏ trốn về Đài Loan để lại nhà xưởng hoang tàn tại 281/2 quốc lộ 1A, P.Tân Chánh Hiệp, Q.12 với số nợ thuế hơn 5 tỉ đồng. Hay cả ban giám đốc và quản lý Công ty TNHH Hae Kwang Vina cũng “âm thầm” bỏ trốn về Hàn Quốc, để lại số nợ thuế lên đến 23 tỉ đồng và hơn 200 công nhân sống vất vưởng...

“Thả vịt ngoài đồng”

Theo bà Đoàn Phi Vân - phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư (Cục Hải quan TP.HCM), hiện có hàng trăm DN nước ngoài mất tích, bỏ trốn với số nợ thuế lên đến hàng trăm tỉ đồng nhưng “bó tay” vì không biết họ ở đâu để đòi. Nhà nước mất thuế còn người lao động bị nợ lương.

 “Hiện cứ ba tháng họ nhập vào mà không xuất đi, chúng tôi lại xuống canh DN. Nhưng khó lắm vì nhiều DN kê khai ở TP.HCM mà nhà xưởng lại ở Đồng Nai, Bình Dương. Ngoài ra khi xuống xưởng mình phải thông báo cho DN trước. Có khi chúng tôi báo họ lại mượn máy móc bày binh bố trận” - bà Vân nói.

Sở KH&ĐT TP.HCM cho biết hiện sở đang rà soát số DN vắng chủ, bỏ trốn trên hai kênh: thứ nhất là các doanh nghiệp báo cáo, thứ hai là gửi về UBND các quận huyện để nhờ xác minh. Một lãnh đạo phòng hậu kiểm Sở KH&ĐT TP nói: “Vấn đề pháp lý trong rút giấy phép các DN này còn nhiêu khê, trong đó phải xác minh DN không hoạt động tại cơ sở trong sáu tháng hoặc không hoạt động liên tục một năm. Hiện công tác hậu kiểm lại rất yếu vì thiếu cả nhân lực lẫn hành lang pháp lý nên việc quản lý như “thả vịt ngoài đồng”.

Trước tình hình trên, Bộ KH&ĐT đã có công văn yêu cầu các tỉnh thành xử lý các dự án đầu tư trong trường hợp không liên lạc được với nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư sau 12 tháng mà nhà đầu tư không triển khai hoặc không có năng lực thực hiện theo tiến độ đã cam kết và không có lý do chính đáng sẽ bị thu hồi giấy phép đầu tư.

Ngoài ra, đối với các dự án vắng chủ đã được xử lý về tài sản và vị trí đất thuê thông qua các bản án quyết định có hiệu lực, đề nghị UBND tỉnh, ban quản lý các KCX-KCN ra quyết định chấm dứt hoạt động của các dự án đầu tư để giao đất cho nhà đầu tư mới.

Công nhân thiệt thòi

Khi chủ DN bỏ trốn, hệ lụy không chỉ việc Nhà nước thất thu thuế mà hàng ngàn công nhân bị nợ lương, nhiều đối tác trong nước bị “xù” nợ. Tại Liên đoàn Lao động Q.Bình Tân, chúng tôi từng chứng kiến những lượt công nhân tới để nhận tiền nợ sau khi công ty phát mãi tài sản. Chị Hoàng - Công ty E.Green VN - cho hay mặc dù số tiền công ty này nợ lương chị lên đến cả chục triệu đồng nhưng sau khi tòa phát mãi tài sản chị chỉ nhận được mấy trăm ngàn đồng vì thực tế tài sản công ty để lại chẳng còn gì.