Doanh nghiệp nhập khẩu ô tô: Bên bờ phá sản !

Kiếm đâu ra giấy chứng nhận nhà phân phối, đại lý chính hãng?

Thông tư 20 của Bộ công thương được ban hành trong đó có nêu lý do nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ nên cần thiết yêu các doanh nghiệp nhập khẩu phải có thêm 2 giấy chứng nhận. Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cũng rất hoan nghênh có thêm điều kiện về bảo dưỡng bảo hành cho khách hàng. Đây vừa là đảm bảo quyền lợi cho khách hàng mà các doanh nghiệp nhập khẩu cho rằng đó là một điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình.

Ông Nguyễn Thế Hùng, chủ một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tại Hải Phòng, cho biết: “Hiện doanh nghiệp tôi đã đầu tư gần 100 tỷ cho xưởng dịch vụ của công ty với đầy đủ trang thiết bị. Dự kiến cuối năm nay sẽ đưa vào hoạt động”.

Tuy nhiên điều kiện về giấy chứng nhận nhà phân phối, đại lý chính hãng sản xuất ô tô thì là điều không tưởng với các doanh nghiệp nhập khẩu. Hiện tại trên thế giới số lượng tập đoàn sản xuất ô tô cũng không nhiều, 5 tập đoàn hàng đầu đã chiếm đa số thị phần ô tô toàn cầu. Các tập đoàn này tại mỗi quốc gia cũng chỉ cấp chứng nhận 1 nhà phân phối chính thức. Như vậy các công ty nhập khẩu ô tô Việt Nam không thể nào có được giấy chứng nhận theo thông tư 20.

Nhiều doanh nghiệp bên bờ phá sản

Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cho biết những quy định mới trong thông tư 20 thực sự đã đưa họ đến bờ phá sản, đóng cửa hàng loạt. Từ trước đến giờ việc nhập khẩu ô tô về Việt Nam đều được các doanh nghiệp thực hiện theo phương thức thanh toán trả trước bằng điện chuyển tiền T/T (Telegraphic Transfer).

Các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam sẽ chuyển toàn bộ tiền sang cho đối tác là các dealer để đặt hàng với số lượng, chủng loại định trước. Lô hàng sẽ được đối tác chuyển về từng phần cho các doanh nghiệp nhập khẩu tại Việt Nam.

Thông tư 20 đến ngày 26/06 sẽ chính thức có hiệu lực, như thế những doanh nghiệp đã chuyển tiền trước ngày 12/5 muốn nhận được hàng phải tìm mọi cách để đưa hàng trong vòng 45 ngày. Đây được coi là nhiệm vụ bất khả thi với nhiều doanh nghiệp.

Ông Hùng cho biết: “Kế hoạch kinh doanh chúng tôi đã lên từ đầu năm, hợp đồng đã ký, tiền đã chuyển. Nếu không thể nhận hàng về thì chúng tôi mất trắng”. Với trị giá hợp đồng gần 15 triệu USD có nguy cơ mất hết, ông Hùng cho biết chưa bao giờ đối mặt với khó khăn như vậy.

Nếu như các doanh nghiệp nhập khẩu không thể đưa hàng về theo đúng hợp đồng đã cam kết thì họ còn đối mặt với việc bị kiện bởi đối tác. Ông Dũng chủ salon ô tô Thu Trang nói: “Trong hợp đồng thương mại đã ký có cả điều khoản phạt hợp đồng khi một bên không thực hiện đúng cam kết. Chúng tôi không thể giải thích với đối tác rằng do thay đổi chính sách của Việt Nam.”

Chưa kể đến những khúc mắc của các doanh nghiệp với các cơ quan hải quan, cơ quan thuế khi mà hồ sơ lô hàng đều đã hoàn thành nhưng khi hàng không thể đưa về. Ngoài ra nhiều doanh nghiệp khi kinh doanh cũng phải sử dụng vốn của ngân hàng dưới nhiều hình thức. Doanh nghiệp phá sản hay đóng cửa, các tài sản thế chấp sẽ bị ngân hàng phát mại thậm chí nguy cơ thành nợ xấu cho các ngân hàng.

“Chúng tôi luôn chấp hành các quy định của nhà nước, nhưng quy định này ra quá bất ngờ cùng với thời gian gấp gáp thì các doanh nghiệp không thể xoay sở được. Chúng tôi chỉ kiến nghị Bộ công thương kéo dài thời gian có hiệu lực để các doanh nghiệp có thể thực hiện được đúng quy định nhà nước, giảm bớt thiệt hại”- Ông Hùng kiến nghị

Uy tín làm ăn

Nhiều doanh nghiệp ô tô còn lo ngại rằng uy tín của doanh nghiệp sẽ tiêu tan sau khi các hợp đồng bị phá vỡ bởi quy định trong thông tư 20. Bấy lâu nay tất cả các doanh nghiệp nhập khẩu đều quan hệ với các dealer nước ngoài dựa vào uy tín do phương thức thanh toán trả trước nhiều rủi ro. Khi hợp đồng bị phá vỡ, uy tín của nhà nhập khẩu ô tô Việt Nam với dealer sẽ giảm sút nặng nề. 

Băn khoăn chờ lời giải đáp

Bấy lâu nay các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước được bảo hộ bởi nhiều chính sách nhưng đến nay tỷ lệ nội địa hóa của dòng xe 9 chỗ dưới 15% theo quy hoạch là 50% (Theo Thanh Niên 09/05/2011-Phá sản chiến lược nội địa hóa ô tô).

Nay các doanh nghiệp này chủ yếu là liên doanh của các hãng xe nước ngoài còn được trao “độc quyền” nhập khẩu. Như vậy người tiêu dùng sẽ không còn nhiều sự lựa chọn cũng như so sánh chất lượng. Có thực tế mặc dù nhiều xe nhập khẩu được sản xuất trong nước, giá không cạnh tranh hơn nhưng vẫn được tiêu thụ và có thị phần.

Trước kia các liên doanh lắp ráp chịu sự cạnh tranh của doanh nghiệp nhập khẩu, nhưng nay các đơn vị này nắm hoàn toàn cả nhập khẩu nguyên chiếc và lắp ráp. Có lẽ trong chuỗi giá trị hàng hóa, người tiêu dùng vẫn sẽ là người chịu ảnh hưởng cuối cùng.