Doanh nghiệp phá sản hàng loạt, thất nghiệp gia tăng
Thành phố Đà Nẵng có tổng cộng 13.800 doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng do gặp khủng hoảng về kinh tế, gần 2.700 doanh nghiệp đã bị phá sản, 1.000 doanh nghiệp tự giải thể, 500 doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, kinh doanh và các doanh nghiệp còn lại phải thực hiện hàng loạt giải pháp tình thế mang tính “thắt lưng buộc bụng” mới có thể duy trì hoạt động.
Với công ty TNHH sản xuất và thương mại Toàn Phú Giado bà Nguyễn Thị Tài làm giám đốc thì giải pháp lúc này là “áp dụng giải pháp tiết kiệm mọi chi phí trong sản xuất, ngừng các đầu tư mở rộng quy mô nhà xưởng và tính toán lại mọi công đoạn sản xuất mới có thể duy trì hoạt dộng và tồn tại được”.
Sự tham gia từ lĩnh vực sản xuất, chế tạo cho đến thương mại, du lịch dịch vụ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố Đà Nẵng. Ước tính mỗi năm các doanh nghiệp vừa và nhỏ đóng góp hơn 50% GDP vào ngân sách Nhà nước và giải quyết gần 80% việc làm mới cho người lao động. Vì vậy khi các doanh nghiệp rơi vào cảnh khốn đốn sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.
Cụ thể, theo nhận định của ông Lê Văn Đường, Phó Chủ tịchHội Doanh nghiệp vừa& nhỏ TP Đà Nẵng thì, “việc các doanh nghiệp tạm ngừng sản xuất, kinh doanh hoặc phá sản, người lao động sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, sau đó là làm mất cân bằng giữa sản xuất và thương mại. Bên cạnh đó, khi các doanh nghiệp rơi vào tỉnh khó khăn sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của Nhà nước, ảnh hưởng đến việc tái đầu tư”. Ông Đường kết luận, “khó khăn sẽ chồng chất khó khăn”.
Mặc dù đã thấy trước những tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2009 và Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố Đà Nẵng đã có những chương trình hành động nhằm giúp các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, tuy nhiên, những bất lợi do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới tạo ra lại đánh trúng vào điểm yếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đó là không tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng do lãi suất quá cao và thị trường tiêu thụ trầm lắng nên đã dẫn đến sự đổ vỡ theo kiểu dây chuyền của hàng ngàn doanh nghiệp.
Cũng theo ông Đường, giải pháp lúc này là phải “tạo ra sự liên để giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm”. Ông Đường cũng cho rằng, thành phố Đà Nẵng, “nên vay những gói vay ưu dãi của Chính phủ, như chúng ta vay ODA vậy để giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.
Năm 2012 được dự đoán là năm mà nền kinh tế thế giới vẫn ở trong tình trạng khó khăn. Trong khi đó lạm phát, lãi suất ngân hàng trong nước còn ở mức cao và chủ trương của Chính phủ là tiếp tục cắt giảm đầu tư công nên các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ còn gặp nhiều thách thức phía trước.
Do đó, ngoài nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp thì sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các ngành chức năng là một trong những điều kiện quan trọng giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ trụ vững trong khủng hoảng và duy trì sản xuất, kinh doanh.