Doanh nghiệp Việt bị chủ tàu nước ngoài chèn ép
Bộ Giao thông Vận tải đã gửi Thủ tướng bản báo cáo kết quả kiểm tra việc chủ tàu nước ngoài áp phí vô lý với doanh nghiệp Việt Nam. Báo cáo này đưa ra sau hơn một tháng, các đơn vị chức năng vào cuộc để kiểm tra trước kiến nghị của doanh nghiệp tại 2 cảng TP HCM và Hải Phòng.
Kết quả kiểm tra cho thấy, thời gian qua, do bị động về phương tiện vận chuyển, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang chấp nhận bị chủ tàu nước ngoài áp thêm ít nhất 10 khoản phụ phí bên cạnh cước vận tải, gồm phí dịch vụ container, phí cân đối container, phí tắc nghẽn cảng, phí vệ sinh, phí sửa chữa vỏ container và phí làm lạnh, phí thủ tục, hóa đơn, kho bãi, cầu đường... Với các khoản phụ phí thu thêm này, chủ tàu đã kiếm được một khoản lợi khá lớn, lên tới hàng nghìn đôla Mỹ cho mỗi chuyến hàng.
Nhiều doanh nghiệp than khổ vì chi phí vận tải ngày một leo thang. |
Chưa hết, nhiều chủ tàu có đại lý ủy quyền tại Việt Nam, lại "đẻ" ra khoản phụ phí con khác để tranh thủ kiếm lời, khiến cho các doanh nghiệp Việt chịu thiệt hại rất lớn. Đây cũng là một trong số nguyên nhân khiến các mặt hàng nhập khẩu về thị trường Việt Nam bị đội thêm giá thành, chi phí, khiến giá bán ra bị tăng lên.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, các loại phụ phí do chủ tàu nước ngoài thu thêm thời gian qua thực chất là giá cước và được thỏa thuận trong hợp đồng giữa người thuê và người vận chuyển. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt chủ yếu nhập khẩu hàng hóa theo hình thức mua CIP bán FOB, không chủ động được quyền thuê phương tiện nên bị áp đặt một cách bị động, không được quyền lựa chọn hãng tàu. Doanh nghiệp Việt thường bị ép khi phải qua trung gian và trả thêm cho người thuê tàu một khoản phụ phí quá lớn.
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, việc doanh nghiệp bị ép thêm phí mà vẫn chấp nhận trả là do các phương tiện vận tải trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu.
Việt Nam hiện có 36 tàu container chủ yếu thuộc Tổng công ty hàng hải VN và đáp ứng được 20% nhu cầu. Vì vậy, vào những đợt cao điểm, nhu cầu vận chuyển cao, trong nước không đáp ứng được nên chủ tàu nước ngoài càng có cớ để bắt chẹt doanh nghiệp Việt.
Từ kết quả kiểm tra này, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Chính phủ cần có chính sách khuyến khích phát triển đội tàu trong nước, nâng cao cơ sở hạ tầng để tránh việc đối tác nước ngoài vin vào cớ này để bắt chẹt doanh nghiệp Việt Nam và thu phí vô lý.
Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Tổng công ty Hàng hải VN xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, phát triển đội tàu container. Hiệp hội Chủ hàng VN cũng cần làm đầu mối theo dõi diễn biến tình hình để kịp thời báo cáo và đề xuất các vấn đề bất cập xảy ra...
Ngoài ra, Liên bộ Tài chính - Công Thương sẽ nghiên cứu các chính sách, quy định về giá, phí để quản lý các khoản phụ phí liên quan đến lĩnh vực đường biển, các yếu tố cạnh tranh để đối phó với việc thu phí vô lý của các hãng tàu nước ngoài.
Trước đó, ngày 10/3, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp thành lập đoàn công tác liên ngành để kiểm tra, làm rõ việc các hãng tàu thu thêm phụ phí đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam. Yêu cầu này được đưa ra xuất phát từ văn bản kiến nghị của Bộ Tài chính khi cơ quan này nhận được phản ánh của doanh nghiệp Việt tố khổ chuyện bị hãng tàu nước ngoài áp phí vô lý.
Bộ Tài chính cho rằng, việc các chủ tàu nước ngoài đồng loạt tăng phí và giá dịch vụ có dấu hiệu liên kết độc quyền về giá, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.