" Doanh nghiệp Việt chưa nắm được cơ hội"

" Doanh nghiệp Việt chưa nắm được cơ hội"
Lỡ cơ hội, thành ra thách thức
 
Cho đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam đi ra nước ngoài vẫn chưa thực sự tạo nên được thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế. Bà có suy nghĩ gì về điều này?
 
Tôi thú thực là chưa hi vọng Việt Nam sẽ có được thương hiệu như khi nói tới Mỹ là nói tới ôtô, hay Nhật Bản là đồ điện tử, sản phẩm luôn có tính an toàn, cẩn trọng...
 
Nhưng ít nhất, các doanh nghiệp Việt Nam phải cho người ta hiểu rằng, nói tới Việt Nam là phải nói tới hàng hóa có chất lượng, giá cả phải chăng. Đó là thông điệp quan trọng nhất cần tạo dựng được, không chỉ là thị trường xuất khẩu mà cả nội địa cũng phải thế.
 
Tôi rất buồn khi mà chúng ta được biết đến là một nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 trên thế giới, nhưng ở thị trường London, 70% cà phê bị trả lại do chất lượng không đạt là của ta. Đó là cái rất dở, uy tín xuất khẩu thứ 2 không lấn át được tiếng xấu ấy.
 
Bà có băn khoăn gì khi doanh nghiệp Việt Nam dường như vẫn chưa hấp thụ tốt các cơ hội có được các cam kết quốc tế? Thông thường, chúng ta đã để cơ hội ấy biến thành thách thức.
 
Đó là điều rất đau đớn. Khi Chính phủ đàm phán với các nước bao giờ cũng mang về những các cơ hội cho doanh nghiệp trong nước, nhưng tiếc là, nó chưa thấm vào các doanh nghiệp.
 
Kịch bản tốt đẹp nhất là đáng lẽ, doanh nghiệp phải biết có những mặt hàng nào sẽ phải giảm thuế, hay những hàng nào có thể xuất ra ngoài.
 
Khi các cam kết thực thi, các doanh nghiệp của ta đã chuẩn bị sẵn tiềm lực để mạnh mẽ tiến ra thị trường nước ngoài và khi mở thị trường nội địa, hàng ngoại có tràn vào thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã kịp nâng cấp mình, cạnh tranh được với họ.
  
Ở đây, tiếc là doanh nghiệp của ta đã không chuẩn bị được đến thế. Mở cửa thị trường đã trở thành yếu tố bất chợt. Bây giờ, chúng ta cứ lo sẽ cạnh tranh với 151 nước trong WTO, nhưng sức ép thực sự là đến từ 10 nước trong ASEAN và cạnh tranh với người khổng lồ Trung Quốc không dễ chịu chút nào.
 
Đến năm 2018, thuế nhập khẩu trong khu vực này về 0%, những hàng hóa của họ cũng tương tự như của ta chắc chắn sẽ tràn vào mạnh mẽ.
 
Vẫn có công nghệ bẩn nhập bằng tiền Nhà nước 
 
Đã có ý kiến lo ngại về xu hướng đẩy công nghệ bẩn đi sang các nước như ta, trong quá trình tái cấu trúc kinh tế các nước lớn? Bà có lời khuyên gì với các doanh nghiệp Việt Nam?
 
Đúng là các nước xung quanh sẽ có nhu cầu tống tháo công nghệ thấp đi, với mức giá hấp dẫn. Nhưng đã là doanh nghiệp, không thể tham gia rẻ được. Họ đều biết, tiền nào thì của nấy.
 
Doanh nghiệp tư nhân có thể do kinh nghiệm thương trường ít nên họ nhập phải công nghệ bẩn. Nhưng không ít những người đi nhập khẩu ấy về là nhập bằng tiền của Nhà nước.
 
Cá nhân ấy sẽ được hưởng lợi nhờ những khoản hoa hồng nào đó. Và doanh nghiệp Nhà nước thì ỷ lại có sự bảo hộ, che chắn, thua lỗ thì được Nhà nước giãn nợ, hoãn nợ…
 
Thưa bà, làm sao chúng ta có thể có tên tuổi trên trường quốc tế mà tầm vóc doanh nghiệp của ta đa phần đều là nhỏ và vừa?
 
Thực ra, ở các nước khác, đa số cũng là doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV). Nhưng ở họ, DNNVV có cái khác với ta. Họ có trình độ quản trị, khả năng kinh doanh, có vốn và nhất là, có hệ thống chính sách đảm bảo họ được hoạt động thuận lợi, không để cho tình trạng cá lớn nuốt cá bé.
  
Như ở Mỹ, nổi tiếng là nước kinh tế thị trường tự do nhất nhưng họ cũng có hẳn một cơ quan hỗ trợ DNNVV. Trong đó, Mỹ đưa ra tiêu chí mọi mua sắm của Chính phủ phải dành 25% là cho các DNNVV. Chính phủ là người tiêu dùng rất lớn và họ đã tạo cơ hội cho DNNVV của họ. Các cơ chế tiếp cận nguồn lực cũng công khai.
 
Nói vậy là, DNNVV của ta khó khăn hơn so với ở nước bạn?
 
Ở ta, DNNVV tiếp cận các nguồn lực rất khó, về vốn, thông tin, đất đai, thủ tục hành chính...
 
Đó là chưa kể, đặc thù các DNNVV ở nước ngoài trở thành vệ tinh cho doanh nghiệp lớn. Không chỉ làm công nghiệp phụ trợ, đội ngũ ấy còn làm luôn phân phối cho các doanh nghiệp lớn, điển hình là ngành ôtô. Đó là sự liên kết rất tốt. Anh lớn, anh bé tựa vào nhau mà sống được, cùng phát triển.
 
Còn ta, DNNVV rất yếu ớt. Doanh nghiệp ta lại không liên kết được với hãng lớn. Các FDI kêu ta không có phụ trợ, nhập linh kiện ở ngoài về và chẳng làm nội địa hóa nữa. Lẽ ra, nếu họ không làm nội địa hóa thì ta phải cắt ngay những ưu đãi về thuế, nhưng ta vẫn cho họ.
 
Các “đại gia” của Việt Nam cũng thế. Các hãng lớn thì chơi với nhau hoặc họ lập doanh nghiệp sân sau để đón những dự án này nọ. Các DNNVV khác lấy đâu ra thị trường? Cho nên, hệ thống dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp là cấp thiết, từ hạ tầng, tư vấn thông tin…
 
Các nước làm rất tốt hệ thống này, còn ta thì hầu như không có. Cho nên, DNNVV của ta cứ nhỏ mãi, không lớn lên được.
 
Cần cách nhìn mở về doanh nhân Việt 
 
VCCI đang xây dựng đề án về doanh nhân Việt Nam và Bộ Chính trị sẽ ban hành Nghị quyết về doanh nhân Việt Nam. Bà có góp ý gì cho đề án này?
 
Tôi mong là Nghị quyết ấy phải nêu được chủ trương, thái độ của Đảng, Nhà nước đối với doanh nhân, phải nói được vị trí của họ trong sự phát triển của đất nước. Muốn thế thì phải có chính sách đồng bộ để họ phát huy vai trò đó.
 
Từ khi đổi mới, với Luật Doanh nghiệp 1999, Nhà nước ta cũng đã thấy được vai trò đó, đã trao quyền tự do kinh doanh cho doanh nhân, nhưng bên cạnh đó ta lại đẻ ra quá nhiều thủ tục hành chính cho họ để siết chặt quyền đó lại.
 
Còn ta đặt ra, doanh nhân Việt Nam phải yêu nước, có lòng tự tôn dân tộc có khát vọng làm giàu thì chung chung quá. Lòng tự tôn dân tộc là tố chất mà người Việt Nam nào cũng có cả, đâu chỉ là doanh nhân! Ta phải bớt đi những cái kêu gọi chung chung.
 
Cách đơn giản nhất khi làm đề án này là hãy nhìn sang các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, xem đội ngũ doanh nhân của họ đã làm như thế nào để mạnh lên, Nhà nước họ đã làm gì để đóng góp cho sự phát triển ấy, từ đó, rút ra bài học cho mình.
 
Phải có cách nhìn mở, đặt doanh nhân Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu chứ đừng chăm chăm nhìn doanh nhân chỉ ở Việt Nam, với bản sắc dân tộc Việt Nam.
 
Cá nhân bà mong muốn gì về hình ảnh của doanh nhân Việt Nam trong 10 năm tới?
 
Tôi hi vọng, trông chờ vào thế hệ doanh nhân mới, trẻ ở VN. Họ ra đời, lớn lên khi đất nước đang đổi mới. Họ được đào tạo chính quy, có kỹ năng, năng lực để trở thành doanh nhân chuyên nghiệp chứ không như thế hệ trước, vừa học vừa làm.
 
Họ sống trong môi trường cạnh tranh nên có lẽ, họ  cảm nhận được sự khốc liệt của cạnh tranh rõ nhất: Đó là cuộc chơi cạnh tranh hay là chết! Họ cảm nhận được và sẽ vươn lên được. Tôi cũng hi vọng, họ có ý thức gắn kết nhau để phát triển.