Doanh nghiệp Việt hãy đầu tư sang nền kinh tế có GDP đạt 600.000 tỷ yên vào năm 2020

“Tôi đứng tại đây hôm nay là để kêu gọi các bạn hãy đầu tư sang Nhật Bản, song hành với luồng vốn đang chảy mạnh mẽ từ Nhật Bản sang Việt Nam”, ông Shigeki Maeda, Phó chủ tịch JETRO Tokyo đã nói như vậy trước đông đảo các doanh nghiệp Việt Nam tại một cuộc hội thảo xúc tiến đầu tư, mở rộng kinh doanh với thị trường Nhật Bản,được tổ chức mới đây tại Hà Nội.
 
Lý do được ông Maeda nhắc tới, đó là vì kinh tế Nhật Bản đã có sự khởi sắc sau chính sách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Shinzo Abe.
 
“Thủ tướng Abe đã ‘gài số’ cho sự phát triển của kinh tế Nhật Bản với kỳ vọng GDP danh nghĩa từ 500.000 tỷ yên năm 2015 sẽ tăng lên 600.000 tỷ yên vào năm 2020. Nhật Bản là một nền kinh tế phát triển, thu nhập đầu người cao, đầu tư vào Nhật Bản là bằng đầu tư vào nhiều nước khác nhau”, ông Shigeki Maeda nói.
 
Cũng theo ông Shigeki Maeda, ngoài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, như giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20% vào đầu năm nay, sửa đổi Luật Dược, cho phép tự do hóa ngành điện…, để biến Nhật Bản thành thị trường dễ kinh doanh hơn.
 
Công nghệ thông tin là lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản có thể thúc đẩy hợp tác theo phương châm win-win.
 
Công nghệ thông tin là lĩnh vực doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản có thể thúc đẩy hợp tác theo phương châm win-win.
 
“Hãy lý giải vì sao Tập đoàn P&G lại tiến hành thử nghiệm sản phẩm tã giấy mới tại thị trường Nhật Bản? Vì bà mẹ Nhật Bản là khách hàng khó tính nhất. Có nghĩa là, một khi đầu tư, kinh doanh thành công ở Nhật Bản thì năng lực cạnh tranh của các bạn sẽ lớn hơn nhiều và được công nhận khi đầu tư, kinh doanh sang thị trường khác”, ông Maeda nói.
 
Thực tế, Việt Nam cũng đã đầu tư sang Nhật Bản. Con số được ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, đó là 35 dự án, với tổng vốn đầu tư chỉ khiêm tốn ở mức gần 7 triệu USD.
 
“Đó là vì hầu hết các dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam sang Nhật Bản là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, dịch vụ nên quy mô vốn không lớn”, ông Hoàng lý giải và nhận định, dù số lượng dự án đầu tư chưa nhiều, quy mô đầu tư còn nhỏ nhưng các dự án hoạt động đem lại hiệu quả khá tốt, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, đem lại giá trị gia tăng cao.
 
Ông Đỗ Nhất Hoàng đã nhắc đến FPT như là một trong ví dụ điển hình thành công khi đầu tư, kinh doanh tại Nhật Bản. Bắt đầu đầu tư sang thị trường này từ cuối năm 2005, đến nay, sau gần 11 năm phát triển, FPT Nhật Bản đã trở thành doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam lớn nhất tại Nhật Bản; Nhật Bản cũng đã trở thành thị trường quan trọng số 1 trong lĩnh vực xuất khẩu phần mềm của FPT, doanh thu khoảng 50% tổng từ thị trường nước ngoài của Tập đoàn.
 
Số liệu từ FPT cho biết, 5 tháng đầu năm 2016, Nhật Bản là thị trường lớn nhất của FPT tại nước ngoài và cũng là đạt mức tăng trưởng cao nhất về doanh thu, với mức tăng trưởng 58% so với cùng kỳ năm 2015, đạt 1.021 tỷ đồng. FPT kỳ vọng năm 2017, thị trường Nhật Bản đạt doanh thu 200 triệu USD, tạo việc làm cho 8.800 người tại Nhật Bản và Việt Nam.
 
Là người tham gia hội thảo này, ông Nguyễn Ích Vinh, Giám đốc Công ty Tinh Vân cũng đã cho biết, sau 5 năm chuẩn bị, cuối tháng 11/2015, Tinh Vân cũng đã thành lập văn phòng ở Nhật Bản và đang kỳ vọng đẩy mạnh hoạt động đầu tư, kinh doanh tại thị trường này, nhất là trong lĩnh vực thuê ngoài.
 
“Dự báo đến năm 2017, quy mô thị trường thuê ngoài của Nhật Bản sẽ lên tới 156.000 triệu yên, và đó là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam như chúng tôi”, ông Vinh nói.
 
Thừa nhận triển vọng này, ông Shigeki Maeda cho rằng, công nghệ thông tin là một lĩnh vực đầy hứa hẹn mà doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản có thể thúc đẩy hợp tác theo phương châm win-win.
 
“Doanh nghiệp công nghệ thông tin Nhật Bản luôn coi doanh nghiệp Việt Nam là đối tác hàng đầu. Nhưng nếu muốn gia tăng khách hàng ở Nhật Bản, thì hãy mở văn phòng ở đất nước chúng tôi, để hai bên dễ dàng thảo luận việc hợp tác”, ông Shigeki Maeda đề xuất.
 
Nhật Bản dần trở thành thị trường thu hút khá lớn vốn đầu tư nước ngoài, khi kinh tế khởi sắc hơn. Nhưng đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản còn rất hạn chế, trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng tốt đẹp. Từ Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (EPA) năm 2007, hai quốc gia đã trở thành quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á vào năm 2014. Các Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư Việt Nam - Nhật Bản, được ký kết năm 2004, Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần năm 2005, cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà cả hai cùng là thành viên… được cho là sẽ tạo lực đẩy để đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản, cũng như ngược lại ngày càng mạnh mẽ hơn.
 
Năm ngoái, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và JETRO đã ký thỏa thuận để thúc đẩy hợp tác đầu tư hai chiều. Cuộc hội thảo này chính là cách để hai bên “gài số” cho đầu tư từ Việt Nam sang Nhật Bản.