Doanh nghiệp Việt Nam đang hồi phục mạnh

Tổng cục thống kê vừa tiến hành điều tra chọn mẫu về xu hướng sản xuất kinh doanh, của khu vực doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Đối tượng điều tra bao gồm 8.100 (250 doanh nghiệp Nhà nước, 7.200 doanh nghiệp ngoài Nhà nước và 650 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài).



Số doanh nghiệp ngừng hoạt động đã giảm



Theo số liệu điều tra của Tổng cục thống kê, tính từ thời điểm 1/1/2013 đến 1/3/2014, số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động, chiếm 94,4% (tỷ lệ doanh nghiệp còn hoạt động cùng thời điểm năm 2012 là 91,6%); số doanh nghiệp ngừng hoạt động chiếm 5,6% (tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động cùng thời điểm năm 2012 là 8,4%). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước ổn định sản xuất và bớt khó khăn hơn các năm trước.



Cũng theo điều tra của Tổng cục thống kê, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều lạc quan về triển vọng phục hồi và phát triển hơn trong năm 2014 và dự báo một số chỉ tiêu chủ yếu năm 2014 đều cao hơn năm 2013 (đặc biệt là các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận và kim ngạch xuất khẩu). Điều này chứng tỏ môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn, kinh tế vĩ mô dần ổn định, thị trường trong nước và quốc tế có nhiều thay đổi theo hướng dần giảm bớt khó khăn, đồng nghĩa với thuận lợi ngày càng tăng giúp các doanh nghiệp lạc quan hơn, đầu tư hơn và kỳ vọng sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn trong năm 2014 và các năm tiếp theo.

Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp đầu tư mở rộng qui mô về lao động, vốn năm 2014 so với năm 2013 vẫn còn thấp (mặc dù dự kiến 2014 so với 2013 vẫn cao hơn 2013 so 2012). Điều này cho thấy mặc dù lạc quan về triển vọng phát triển, nhưng các doanh nghiệp vẫn rất thận trọng trong việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh để tránh rủi ro. 



Theo đó, về xu hướng về doanh thu năm 2014 so với năm 2013, trái ngược với dự kiến mở rộng qui mô về lao động và vốn của cùng thời kỳ, tỷ lệ số doanh nghiệp dự kiến tăng doanh thu năm 2014 so với năm 2013 cao hơn nhiều với 71,6%, chỉ có 14,7% doanh nghiệp dự kiến giữ nguyên qui mô và 13,7% doanh nghiệp dự kiến giảm. 



Theo loại hình sở hữu, tất cả các loại hình doanh nghiệp đều dự kiến năm 2014 doanh thu tăng trên 70% so với năm 2013 (doanh nghiệp FDI là 79%, doanh nghiệp Nhà nước 74,3% và doanh nghiệp ngoài Nhà nước 70,8%). 



Theo ngành kinh tế, cả ba khu vực có tỷ lệ số doanh nghiệp dự kiến tăng doanh thu năm 2014 khá đồng đều. Cụ thể khu vực công nghiệp và xây dựng 73,5%, khu vực dịch vụ 70,4% và khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 67,7%.



Nhu cầu thị trường trong nước đã triển vọng hơn



Số liệu điều tra của Tổng cục thống kê cho thấy, có 44,2% số doanh nghiệp cho rằng khả năng và điều kiện tiếp cận nguồn vốn đối với khu vực doanh nghiệp năm 2014 không thay đổi so với năm 2013; 30% số doanh nghiệp đánh giá điều kiện sẽ tốt hơn và 12,4% số doanh nghiệp đánh giá điều kiện tiếp cận kém đi.



Riêng về tình hình vay vốn của doanh nghiệp, thời điểm tháng 3 năm 2014 tỷ lệ doanh nghiệp hiện đang vay vốn để sản xuất kinh doanh là 49,5% (50,5% còn lại không vay). Trong số các doanh nghiệp đang vay vốn (trong đó có doanh nghiệp vay từ 2 nguồn trở lên) thì tỷ lệ doanh nghiệp vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước đạt cao nhất với 63,6%, tiếp đến là vay từ ngân hàng thương mại ngoài nhà nước, vay từ cá nhân, bạn bè, người thân cùng với tỷ lệ 29,6% và thấp nhất là từ các ngân hàng FDI với 5,9% và từ nguồn khác (như phát hành trái phiếu doanh nghiệp, thành lập công ty đại chúng/IPO, thuê mua,…) 4,7%.



Các doanh nghiệp đánh giá chung nhu cầu thị trường trong nước năm 2014 có triển vọng hơn so với năm 2013 nhưng tỷ lệ doanh nghiệp lạc quan về thị trường trong nước chưa cao, chỉ với 34,8%. Vẫn còn 16,2% số doanh nghiệp cho rằng thị trường trong nước năm 2014 kém hơn 2013. 



Đồng thời vào thời điểm hiện nay, vẫn còn đến 50,5% số doanh nghiệp không vay vốn cho sản xuất kinh doanh, cộng với tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng quy mô về lao động và quy mô vốn năm 2014 đạt thấp cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào sự hồi phục và tính ổn định của thị trường và nền kinh tế trong nước cũng như quốc tế trong thời gian tới.



Theo đánh giá cuộc điều tra của Tổng cục thống kê, nhìn chung nhiều doanh nghiệp Việt Nam chưa có thông tin chắc chắn về nhu cầu của thị trường thế giới. Có tới 55,8% số doanh nghiệp được hỏi trả lời không biết hoặc không đánh giá được nhu cầu của thị trường thế giới hiện nay. Điều này cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp có qui mô vừa và nhỏ, không có nhiều doanh nghiệp lớn nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh toàn cầu, nên hạn chế nhiều đến khả năng nắm bắt nhu cầu của thị trường thế giới.



Đồng thời cho thấy, vai trò của Bộ Công Thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trong việc xúc tiến và cung cấp thông tin, cho các doanh nghiệp trong nước về nhu cầu của thị trường thế giới còn hạn chế. Điều này hạn chế và ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu.