Đối thoại tại nghị trường với những con số ấn tượng

Một tuần làm việc với hơn hai ngày chất vấn và trả lời chất vấn, một ngày thảo luận về đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục và thêm bằng ấy thời gian cho vấn đề an toàn thực phẩm, đối thoại tại nghị trường tuần qua được “tăng nhiệt” bằng những con số ấn tượng.

Học phí: 16 trường thu vượt 28 tỷ đồng
 
Đai biểu Nguyễn Thị Thanh Huyền: Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc giám sát thu, chi của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với các đơn vị trực thuộc chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh việc xử lý thu, nên nhiều trường đại học thu học phí vượt mức quy định của Chính phủ. Thậm chí có những khoản thu thêm của học sinh, sinh viên không có trong quy định. 
 
Cụ thể, trong số 22 trường được kiểm toán thì có 16 trường thu vượt quy định với số tiền gần 28 tỷ đồng. Các trường hầu hết không nộp đủ học phí vào kho bạc mà chỉ nộp một phần vào kho bạc, còn lại để gửi ngân hàng thu lãi.

Đại biểu Lê Văn Cuông: về học phí cho bậc học mầm non, Bộ nêu số liệu làm cho đại biểu phát hoảng. Nếu miễn học phí bậc mầm non thì cả các em đang ở nhà không đi học sẽ đi học, số học sinh mầm non mới dự kiến sẽ là 6 triệu em.

Để đưa số em này đến trường Nhà nước phải chi 5.360 tỷ đồng một năm, sẽ không còn ngân sách cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề công lập, vẫn còn thiếu 5.374 tỷ đồng.

Đại biểu Phạm Đức Châu: cho đến bây giờ độ tuổi mẫu giáo có 2,77 triệu cháu đến trường trong độ tuổi 3 -5 tuổi đạt 70% độ tuổi. Nhưng đến năm 2014 số lượng phải 3 triệu, tỷ lệ cũng 70%. Như vậy chúng ta đổi mới kiểu nào mà đến 5 năm sau tỷ lệ trẻ mẫu giáo đến trường trong độ tuổi không thay đổi.

Quản lý an toàn thực phẩm: Mỗi tỉnh chỉ có… nửa người

Đại biểu Phan Thị Mỹ Bình: Lực lượng làm công tác quản lý nhà nước và làm nhiệm vụ chuyên môn về kĩ thuật vệ sinh, an toàn thực phẩm các tỉnh bình quân 0,5 người/ tỉnh, ở cấp huyện bình quân là 0,9 người/ huyện, cấp xã thì chỉ có 0,5 đến 1 người được phân công giúp uỷ ban nhân dân xã về công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry: Các bộ, ngành Trung ương đã ban hành trong 5 năm qua 337 văn bản nhưng nhiều địa phương chỉ thống kê được khoảng 13 văn bản. 
 
Trong 337 văn bản này tính đến nay đã có ít nhất 48 văn bản chồng chéo, mâu thuẫn. 35 văn bản liên quan đến Bộ Y tế ban hành thì có tới 18 văn bản có nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và không còn phù hợp. 
 
179 văn bản của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành thì có đến 13 văn bản hiện nay có nội dung chồng chéo và không phù hợp.

Đại biểu Dương Kim Anh: Báo cáo của Chính phủ từ năm 2004 đến năm 2008 đã có 906 vụ ngộ độc thực phẩm, số người chết 267 người, tức là mỗi năm có 53,4 người chết, riêng năm 2008 có 205 vụ ngộ độc.

Nhưng theo số liệu thống kê từ báo cáo của 62 tỉnh, thành thì số vụ ngộ độc là 2160 vụ, số người chết do ngộ độc thực phẩm 391 người. Riêng năm 2008 số vụ ngộ độc là 468 vụ và có 89 người chết. Còn báo cáo của Bộ y tế trong hai năm, năm 2007 - 2008 có 116 ca tử vong do ngộ độc thực phẩm.

Sân golf: Việt Nam gấp 10 lần thế giới

Đại biểu Nguyễn Đăng Vang: Nước ta có tới 166 sân golf, cả thế giới có 2.500 sân golf và trung bình 192 nước, vùng lãnh thổ thì mỗi nước có 14 sân golf. Chúng ta nhiều gấp 10 lần thế giới về mật độ.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết: Tôi được biết là hiện nay Hà Nội có 19 dự án sân golf, trong đó có cả dự án mà định dẹp luôn cả trại bò giống do Cu Ba giúp chúng ta, ở Bà Rịa - Vũng Tàu có diện tích nhỏ hơn Hà Nội nhưng cũng có tới 19 dự án sân golf và tập đoàn Vinashin theo tôi được biết có tới 5 sân golf.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc: Khu vực miền núi, trung du Bắc Bộ, hiện nay diện tích cũ có 19 sân golf, chúng tôi loại bỏ đi 7 cái. Vùng đồng bằng sông Hồng dự kiến cũ là 33 cái, tính cả Hà Nội, cả Vĩnh Phúc, nay loại bỏ đi 14 cái, chỉ giữ lại 19 cái.

Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên Hải miền Trung trước đây dự kiến 57 cái, nay còn 41 cái. Vùng Tây Nguyên dự kiến 13, bỏ 2 còn 11. Vùng Đông Nam Bộ dự kiến 37 cái, bỏ đi 11 nay còn 26 cái. Riêng vùng đồng bằng sông Cửu Long dự kiến 7 cái và giữ nguyên 7 cái.

Kích cầu: Mỹ cũng chưa đến 5% GDP

Đại biểu Nguyễn Ngọc Minh: So với một số nước trên thế giới và trong khu vực về mức độ ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và quy mô gói kích cầu tương ứng thì quy mô gói kích cầu của Việt Nam ta rất lớn, xét về tỷ trọng GDP (gần 10%). 
 
Theo báo cáo của quỹ tiền tệ quốc tế và ngân hàng thế giới mà tôi biết được, Mỹ bị xem là một quốc gia bị suy thoái nặng nề nhất nhưng gói kích cầu của họ cũng chỉ đến 4,8% GDP, Trung Quốc là 4,4%, Nhật là 2,2%, Thái Lan là 1,1%, Phillipin là 1,8%.

17% doanh nghiệp biến mất

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Từ khi có Luật Doanh nghiệp thì số doanh nghiệp cả nước là 412 nghìn, trong đó số doanh nghiệp đang nộp thuế cho các cơ quan thuế của địa phương là 345 nghìn doanh nghiệp, tỷ lệ số doanh nghiệp đang hoạt động với số doanh nghiệp đăng ký là 83%. 
 
Theo thống kê của một số nước như Đài Loan, Hàn Quốc, một số nước khác tỷ lệ ngừng hoạt động sau khi đăng ký thành lập 7 năm có nước lên đến 70%. Nhưng của ta chỉ là 17%.

Chỉ còn 12 ý kiến chưa trả lời

Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng: Chất vấn kỳ này rất tiến bộ và đi một bước rất xa, 661 ý kiến cho đến thời điểm này đã trả lời 649 ý kiến, còn 12 ý kiến chưa trả lời.

Trong năm ngoái thì 547 ý kiến, đã trả lời 545, có 12 ý kiến chưa trả lời, thực sự là một dân chủ xã hội chủ nghĩa rộng rãi được trả lời, được tiếp thu, được đảm bảo giải quyết. Đấy là hình thức dân chủ toàn dân, thưa các đồng chí là "dưới bảo trên cũng nghe", chứ không phải "trên bảo dưới không nghe".