Động lực mới cho Chu Lai

Động lực mới cho Chu Lai
Thực tiễn xây dựng và phát triển KKTM Chu Lai đã đạt được những thành tựu ban đầu rất đáng kể tạo đà cho Chu Lai tăng tốc cùng miền Trung cất cánh.
Từ chỗ những khu vực cát trắng mênh mông đến nay đã hình thành nên diện mạo của khu kinh tế với sân bay, bến cảng, khu du lịch, nhà máy xí nghiệp và những công trình hạ tầng đồ sộ mang dáng dấp của một khu kinh tế hiện đại và năng động như: Nhà máy sản xuất ôtô, kính nổi, gạch men... Hạ tầng y tế, văn hóa được đầu tư, những khu tái định cư và các loại hình dịch vụ mọc lên dọc quốc lộ 1A cho thấy những đổi thay mạnh mẽ của mảnh đất này.
Các dự án tại KKTM Chu Lai đã góp phần tạo việc làm cho gần 7.000 lao động. Các DN tại KKTM Chu Lai đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội tỉnh Quảng Nam, được thể hiện qua các chỉ tiêu nộp ngân sách, tổng mức đầu tư, giá trị sản lượng công nghiệp... Vai trò của KKTM Chu Lai đã và đang từng bước được khẳng định trong sự phát triển đi lên của tỉnh Quảng Nam trước xu thế hội nhập kinh tế quốc tế.
Tính đến tháng 10/2009, KKTM Chu Lai đã có 52 dự án cấp phép hoạt động với tổng số vốn đăng ký là 929 triệu USD, trong đó có 17 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 195 triệu USD, 35 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 734 triệu USD. Sự thu hút đầu tư ở KKTM Chu Lai đã góp phần quan trọng đưa Quảng Nam vươn lên đứng thứ 2 cả nước sau Bà Rịa - Vũng Tàu về thu hút FDI.
Như vậy, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu, số vốn đăng ký và thực hiện năm 2009 là dấu hiệu đáng mừng của KKTM Chu Lai. Từ những kết quả đạt được, có thể thấy trong quá trình 6 năm xây dựng và phát triển, bằng việc kết hợp các yếu tố thuận lợi về mặt địa lý, cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt và sự phối hợp trong công tác quản lý của các cơ quan trung ương và địa phương, KKTM Chu Lai đã có những bước phát triển tích cực về nhiều mặt: xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, tạo việc làm, đào tạo nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, KKTM Chu Lai cũng có những thay đổi mang tính chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực thu hút đầu tư đã thay đổi từ việc tập trung xúc tiến các dự án sản xuất kinh doanh vào các khu công nghiệp thì nay được chuyển sang xúc tiến các dự án du lịch và dịch vụ cao cấp, dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng các khu chức năng như khu thương mại tự do, các khu công nghiệp, khu đô thị, sân bay Chu Lai...Môi trường đầu tư cũng được cải thiện cơ chế chính sách thông thoáng phù hợp với thông lệ quốc tế.

KKTM Chu Lai được thành lập theo Quyết định số 108/2003/QĐ-TTg, ngày 05/6/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là mô hình khu kinh tế mở đầu tiên của Việt Nam. Theo quy hoạch tổng thể xây dựng KKTM Chu Lai được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 43/2004/QĐ-TTg, ngày 23/3/2004. KKTM Chu Lai có diện tích tự nhiên là 32.400ha, trên địa bàn 16 xã, phường, thị trấn của thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành gồm các khu chức năng chính như: Khu phi thuế quan 1.700ha, các khu công nghiệp 3.000ha, các khu du lịch 2.100ha và các khu đô thị khoảng 10.000ha.

Tuy nhiên, những kết quả đạt được của KKTM Chu Lai còn khiêm tốn, chưa khẳng định được sức mạnh và lợi thế. Số dự án và vốn đầu tư nước ngoài vào KKTM Chu Lai mới chỉ chiếm khoảng 1/3, còn phần lớn là đầu tư trong nước. Số vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đến nay vẫn chỉ là vốn do ngân sách nhà nước cấp đạt khoảng trên 70 triệu USD, nghĩa là quá ít so với tổng nhu cầu hơn 1,5 tỷ USD. Năng lực khai thác của những hạng mục vận tải then chốt tại khu kinh tế này như Cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai vẫn còn ở quy mô nhỏ, chủ yếu khai thác tiềm năng. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập gây tâm lý e ngại cho nhà đầu tư. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, khan hiếm nguồn lao động chất lượng cao và lao động lành nghề.... Vì vậy, việc tìm kiếm mô hình mới, cơ chế chính sách mới cho Chu Lai là rất cần thiết.
 
Mới đây, lần đầu tiên sau 6 năm kể từ khi KKTM Chu Lai chính thức được thành lập, một cuộc hội thảo khoa học do Bộ kế hoạch và Đầu tư chủ trì đã được tổ chức với mong muốn tìm kiếm mô hình mới, cơ chế chính sách mới cho Chu Lai và các khu kinh tế khác. Các nhà khoa học tham dự đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp mở hướng đi mới cho Chu Lai tiếp tục phát huy những thế mạnh để phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.
 
Theo GS-TS Võ Đại Lược, Viện Khoa học xã hội Việt Nam cần sớm chuyển đổi mô hình KKTM Chu Lai theo hướng xây dựng đô thị quốc tế, bằng cách tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài đẳng cấp quốc tế tham gia liên doanh xây dựng đô thị này. Thuê tập đoàn tư vấn hàng đầu thế giới quy hoạch toàn bộ vùng ven biển Quảng Nam, trong đó có Chu Lai.
 
Phó Chủ tịch Thường trực UNBD tỉnh, kiêm Trưởng ban Quản lý KKTM Chu Lai Lê Phước Thanh cho rằng, Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược: Nhà nước cần sớm đầu tư các hạ tầng chung, hạ tầng liên vùng như sân bay Chu Lai, cảng Kỳ Hà; đường ven biển từ Hội An đến Chu Lai để kết nối với Dung Quất; đường cao tốc Đà Nẵng - Chu Lai - Dung Quất. Trước mắt, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm tăng thêm chuyến bay trên đường bay Tân Sơn Nhất - Chu Lai và mở thêm đường bay Nội Bài - Chu Lai để phục vụ nhu cầu nhà đầu tư, cán bộ và nhân dân hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, làm động lực và tiền đề phát triển sân bay Chu Lai thành cảng hàng không quốc tế theo đúng nghĩa cũng như tiềm năng vốn có của nó.
 
Hy vọng, với những phản ánh khách quan của các nhà khoa học, những đề xuất của các cơ quan, đơn vị của tỉnh Quảng Nam và Bộ, ngành trung ương sẽ giúp cho các cơ quan hoạch định chính sách có những cơ chế phù hợp tạo động lực cho KKTM Chu Lai phát triển nhanh và bền vững với một hướng đi mới thích hợp trong thời gian tới, mang lại luồng sinh khí mới sôi động, đầy hứa hẹn cho KKTM Chu Lai./.