Theo trả lời của ông Trần Quang Phượng, giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, việc điều chỉnh tuyến Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - đường vành đai ngoài đoạn đi qua P.2, Q.Tân Bình từ một đường rộng 60m thành hai nhánh, mỗi nhánh rộng 20m là để giảm đền bù giải tỏa, cụ thể là giảm được 3.000 tỉ đồng.
Theo tôi, ông Phượng trả lời như thế là không đúng. Chúng tôi được biết trên tuyến đường 60m theo phê duyệt của Thủ tướng, đoạn đi qua P.2, Q.Tân Bình nằm trong khu vực có nhiều diện tích đất công thuộc Cụm cảng hàng không miền Nam và quân đội quản lý. Tôi cho rằng nếu làm đường theo phê duyệt của Thủ tướng năm 1997 thì đoạn đi qua khu vực này sẽ rất dễ giải tỏa, đồng thời chi phí (nếu có) cũng sẽ thấp.
Mặt khác, trong tay người dân chúng tôi còn có một văn bản (số 1119) “giấy trắng mực đen” do chính ông Trần Quang Phượng ký ngày 7-10-2002 (lúc này ông Phượng là phó giám đốc Sở Giao thông công chánh, nay là Sở Giao thông vận tải) để báo cáo thường trực Thành ủy và UBND TP về trích yếu “giải quyết kiến nghị của nhân dân về các phương án tuyến dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi”.
Văn bản này khẳng định hướng tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi đã được Thủ tướng phê duyệt năm 1997 có nhiều ưu điểm. Cụ thể: tránh giải tỏa gần 200 hộ dân, các cơ quan công sở lớn như đoàn bay 919, đoàn tiếp viên Vietnam Airlines, Trung tâm huấn luyện hàng không... Hướng tuyến đi trùng với quy hoạch của sân bay Tân Sơn Nhất tại đoạn đầu tuyến (554m), sân bay đã quản lý và không cho xây dựng mới bất kỳ công trình nào trong phạm vi phần đất của đoạn đường này.
Như vậy, việc ông Phượng khẳng định phương án tuyến đường tách thành hai nhánh như đang thực hiện là kinh tế nhất, phù hợp... thì theo người dân chúng tôi, là hoàn toàn bất nhất với những gì chính ông đã từng báo cáo lãnh đạo thành phố về dự án tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi cũng như việc trả lời người dân lúc bấy giờ, thời điểm tháng 10-2002.
Một điểm nữa, ông Phượng dẫn văn bản số 1878 ngày 30-11-2007 của Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện dự án để trả lời câu hỏi của báo chí cho đến nay phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ năm 1997 đối với dự án có lộ giới 60m đã được bãi bỏ hay có thay đổi gì không. Về trả lời này của ông Phượng, chúng tôi không đồng tình. Chúng tôi cho rằng văn bản này không có đề cập vấn đề hướng tuyến, lộ giới... của tuyến đường, mà nội dung chính của văn bản là xem xét việc cấp chứng nhận đầu tư để nhà đầu tư Hàn Quốc làm chủ đầu tư thực hiện dự án.
Thật ra, trước đó, ngày 27-11-2007 UBND TP đã có văn bản số 8145 gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh hướng tuyến và lộ giới của tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài. Theo văn bản này, UBND TP đã đề nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận xóa bỏ quy hoạch hướng tuyến đường vành đai (cũ), từ nút giao thông Trường Sơn đến ngã năm Nguyễn Thái Sơn với bề rộng lộ giới 60m. Sau đó ngày 3-12-2007, Văn phòng Chính phủ có văn bản đề nghị các bộ ngành có ý kiến để trình Thủ tướng xem xét kiến nghị của UBND TP.
Với trình tự, thủ tục này, theo người dân chúng tôi, có nghĩa việc điều chỉnh hướng tuyến, quy hoạch, lộ giới của tuyến đường, nhất là đoạn đi qua P.2, Q.Tân Bình là thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, chứ không phải của UBND TP. Như vậy, làm gì có chuyện ngày 30-11-2007 Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thay đổi hướng tuyến, lộ giới của tuyến đường.
Chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên:
Ý kiến của người dân là có cơ sở
Hà Nội - Chiều 12-8, chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên khẳng định ý kiến của người dân là có cơ sở. Ông Yên khẳng định tuyến đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài đã được Thủ tướng phê duyệt năm 1997 có chiều dài hơn 13km, có mặt cắt 60m và 65m là phù hợp với sự phát triển của đô thị TP.HCM theo hướng hiện đại.
Về ý kiến phản hồi của UBND TP.HCM trong cuộc họp báo chiều 11-8 cho rằng thanh tra Bộ Xây dựng chưa có đầy đủ thông tin và Bộ Xây dựng khi thẩm định thiết kế cơ sở đã xác định phương án tuyến của dự án này là phù hợp với quy hoạch, chánh thanh tra Bộ Xây dựng Phạm Gia Yên cho rằng trong bản kết quả thẩm định thiết kế cơ sở đã khẳng định chiều dài toàn tuyến đường này là 13,63km bắt đầu từ nút giao thông Trường Sơn đến điểm cuối tuyến là ngã tư Linh Xuân, chiều rộng tuyến là nút giao thông Trường Sơn đến nút giao Nguyễn Thái Sơn dài 1,533km, rộng 20m (ba làn xe); đoạn từ nút giao Nguyễn Thái Sơn đến nút giao Gò Dưa dài 8,167km, rộng 60m và 65m (12 làn xe); đoạn từ nút giao Gò Dưa đến cuối tuyến là 3,953km, rộng 30m (sáu làn xe). Ông Yên cũng khẳng định Bộ Xây dựng chưa có văn bản nào nói về sự đồng ý với đề xuất điều chỉnh hướng tuyến của TP.HCM.
|