Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Sức hút lớn với các nhà thầu
“Tính tới thời điểm này, hồ sơ mời sơ tuyển của 5 gói thầu xây lắp chính từ A1 đến A5 thuộc hợp phần sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) đã được chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hoàn tất”, ông Nguyễn Tất Sơn, Phó tổng giám đốc VEC cho phóng viên Báo Đầu tư biết hôm 24/7.
Được biết, ngoại trừ Gói thầu A4 đã được VEC mở thầu sơ tuyển hồi giữa tháng 6/2012, phương thức đấu thầu các gói thầu còn lại nhiều khả năng sẽ có thay đổi so với kế hoạch ban đầu.
Cụ thể, giữa tháng 7/2012, Bộ Giao thông - Vận tải đã có Văn bản số 5449/BGTVT-QLXD đề nghị WB chấp thuận việc thay đổi phương thức lựa chọn nhà thầu 4 gói thầu xây lắp thuộc Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi phần vốn vay WB. Theo đó, thay vì áp dụng phương thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế (ICB) với gói thầu nhiều hợp đồng (Slice and Package) như hướng dẫn của WB, để rút ngắn thời gian, Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị đấu thầu theo gói thầu độc lập trên nguyên tắc thiết kế xong đến đâu, triển khai đấu thầu ngay đến đó.
Ông Lê Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng, đối với các gói thầu xây lắp có giá trị lớn, thời gian thi công 36 tháng, nếu triển khai theo hình thức gói thầu nhiều hợp đồng sẽ gặp khó khăn do phải đảm bảo hoàn tất công tác giải phóng mặt bằng cho cả gói thầu lớn. Kinh nghiệm cho thấy, tại các dự án đường bộ trải dài qua nhiều tỉnh, thành phố, có diện tích đất chiếm dụng lớn, việc đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng sạch để triển khai thi công đồng loạt là rất khó khăn.
Cũng theo lý giải của Bộ Giao thông - Vận tải, việc phân chia phạm vi gói thầu với giá trị từ 69 đến 84 triệu USD để đấu thầu theo từng hợp đồng độc lập là khá phù hợp để cả các nhà thầu quốc tế và các nhà thầu trong nước tham gia dự thầu.
Để tránh tình trạng một số nhà thầu đưa ra giá thấp một cách bất hợp lý, làm kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng, Bộ Giao thông - Vận tải dự kiến bổ sung vào hồ sơ mời thầu tiêu chí đánh giá năng lực nhà thầu trong trường hợp nhà thầu trúng nhiều hơn hai hợp đồng. Theo đó, nhà thầu sẽ phải chứng minh có đủ năng lực tài chính, khả năng thi công cho tất cả các gói thầu dự thầu, thay vì được đánh giá theo từng bộ hồ sơ dự thầu đơn lẻ.
Đối với 7 gói thầu xây lắp thuộc hợp phần sử dụng vốn vay của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), VEC cho biết, nhà tài trợ này đã có công thư đồng ý cho phép phát hành hồ sơ mời sơ tuyển Gói thầu 3A – gói thầu khởi công Hợp phần vốn JICA. Dự kiến, các gói thầu này sẽ tiến hành tuyển chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu cạnh tranh quốc tế có sơ tuyển, với phương thức đấu thầu 1 túi hồ sơ.
Với tổng mức đầu tư lên tới 27.968 tỷ đồng (tương đương 1,472 tỷ USD), trong đó vốn vay nước ngoài là 1,304 tỷ USD, Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là dự án hạ tầng hiếm hoi thu xếp đủ vốn xây lắp.
Được biết, theo quy hoạch, tuyến đường sẽ gồm 6 làn xe cơ giới, nhưng trước mắt, nhà đầu tư sẽ xây dựng 4 làn xe, với chiều rộng nền đường 26 m. Ngoài hệ thống các công trình phụ trợ đồng bộ, như trung tâm điều hành, trạm dịch vụ nghỉ ngơi, trạm dừng xe, tuyến đường sẽ được đầu tư hệ thống giao thông thông minh (ITS), gồm: các trạm thu phí 1 dừng, hệ thống camera, đếm xe, theo dõi khí tượng và kiểm soát quá tải…
Không chỉ góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi sẽ rút ngắn hành trình từ TP. Đà Nẵng đến các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và ngược lại so với đi theo các tuyến đường bộ hiện hữu, với ưu thế về tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn, tốc độ lớn hơn và điều kiện an toàn giao thông tốt hơn.
“VEC đang đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng và thiết kế kỹ thuật để rút ngắn thời gian chuẩn bị. Nếu không có gì thay đổi, chúng tôi sẽ hoàn tất quá trình tuyển chọn nhà thầu xây lắp cho ít nhất 1 gói thầu xây lắp để có thể khởi công Dự án vào cuối năm nay”, ông Sơn cho biết thêm.