Dự thảo Luật Đấu thầu, nhiều điểm mới

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Phương - Trưởng phòng Chính sách đấu thầu, Cục Quản lý đấu thầu: Luật Đấu thầu sửa đổi gồm có 9 chương và 111 điều, được soạn thảo dựa trên sự góp ý của cộng đồng DN và các chuyên gia quốc tế, nên so với Luật Đấu thầu năm 2005 có nhiều điểm mới, mở rộng hơn.
Cụ thể, về việc lựa chọn nhà đầu tư, Luật Đấu thầu năm 2005 chỉ đề cập đến vấn đề lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu xây lắp, mua sắm hàng hóa và tư vấn, trong khi đó Dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi lại lựa chọn nhà đầu tư để nhà đầu tư đem tiền vào đầu tư dự án. Về đấu thầu qua mạng, trước đây Luật Đấu thầu năm 2005 chỉ có một điều về đấu thầu qua mạng thì Luật Đấu thầu sửa đổi có cả một chương về vấn đề này.
Luật Đấu thầu sửa đổi lần này cũng bao quát luôn cả đấu thầu về dịch vụ sự nghiệp công, và đấu thầu đối với các dự án ODA hay đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam ra nước ngoài…, sở dĩ những nội dung này được đưa vào luật bởi hiện nay Việt Nam có rất nhiều các dự án ODA và FDI ra nước ngoài, nhưng lại chưa có một cách làm thống nhất, vì thế rất cần có sự điều chỉnh phù hợp, để các dự án đầu tư được hiệu quả hơn. Nhờ có những điểm mới này nên Luật Đấu thầu sửa đổi có nhiều ưu điểm, hứa hẹn sẽ tạo ra sự minh bạch, cạnh tranh hơn, đặc biệt sẽ giảm được tham nhũng trong quá trình thực hiện và cũng phân chia trách nhiệm rõ ràng hơn.
Tại hội thảo quốc tế về mua sắm công vừa diễn ra tại Hà Nội vào ngày 15/1, các chuyên gia quốc tế cũng đánh giá cao những nội dung được đề cập trong Luật Đấu thầu sửa đổi và cho rằng Luật đang đi đúng hướng. Tuy nhiên, một số ý kiến khác cũng cho rằng, để phù hợp hơn với xu hướng quốc tế và để mang lại những kết quả tốt nhất thì luật cần có những lưu ý, sửa đổi cho phù hợp hơn.
Chẳng hạn, theo ông Eric Gagnon, chuyên gia cao cấp về đấu thầu của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, nội dung và những từ ngữ sử dụng cần rõ ràng hơn, để tránh hiểu không đúng vấn đề. Ngoài ra, cũng nên tránh để nội dung trong dự thảo có mâu thuẫn với những văn bản đã ban hành trước đó.
Về những điều khoản cụ thể, ông Eric Gagnon cho biết, cũng còn nhiều điểm cần phải điều chỉnh, ví dụ như điều khoản 5.1 (h) yêu cầu bắt buộc các DN nước ngoài phải liên danh với hoặc thầu phụ lại các DN địa phương là đi ngược lại các nguyên tắc cơ bản của cạnh tranh rộng rãi, công bằng, kinh tế và hiệu quả. Còn điều khoản 13.1 (b) yêu cầu độc lập về tài chính giữa các nhà thầu là yêu cầu chỉ áp dụng đối với “nhà thầu hạn chế”, như thế là chưa đủ mà yêu cầu độc lập về tài chính nên áp dụng đối với tất cả các phương pháp đấu thầu và giữa tất cả các bên liên quan trong đấu thầu- nhà thầu, bên mời thầu, cơ quan thẩm định, phê duyệt, nhà tài trợ,… như vậy mới tránh được sự xung đột lợi ích trong quá trình đấu thầu…

Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, ông Lê Văn Tăng cho biết, sẽ ghi nhận và xem xét các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Đấu thầu sao cho phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời đảm bảo sự minh bạch, cạnh tranh hơn.