Dự thảo Luật Quảng cáo cần “cởi mở” hơn

Theo Dự thảo Luật: Quảng cáo trên báo in không được quá 10% và tạp chí không quá 20%, trừ các báo, tạp chí tuyên truyền quảng cáo. Nếu quảng cáo quá số lượng trên sẽ phải xin phép ra phụ trương quảng cáo và phát hành kèm với báo chính. Với báo điện tử, Dự thảo đưa ra mức quảng cáo không vượt quá 10% diện tích (trừ các chuyên trang quảng cáo) và chỉ được đặt ở bên trái hoặc bên phải khuôn hình.

Trước Dự thảo này, nhiều đại biểu có ý kiến cho rằng để Luật đi vào cuộc sống thì các điều luật cần “cởi mở” hơn. Cụ thể, với báo in, không thiết phải xin phụ trương, vì như thế rất có thể sẽ tạo ra một tiền lệ xấu theo cơ chế “xin - cho”, đồng thời, việc ra quy định phụ trương phải phát hành kèm với báo chính là không phù hợp. Với quy định quảng cáo trên báo điện tử, chị Thanh Hương - Phụ trách quảng cáo trên tờ Vnexpress cho rằng: Việc xác định 10% quảng cáo trên báo điện tử rất khó, mặt khác, dự thảo yêu cầu chỉ được đặt quảng cáo ở bên trái hoặc phải khuôn hình cũng là điều không cần thiết.

Bên cạnh những quy định cho báo in và báo điện tử, Dự thảo cũng có nhiều nội dung mang tính chất bó hẹp đối với loại hình quảng cáo trên phát thanh truyền hình như: Không được quảng cáo trong các chương trình có thời lượng phát sóng ngắn dưới 15 phút, các chương trình có thời lượng phát sóng từ 15-30 phút được quảng cáo một lần, 60 phút được quảng cáo 2 lần, và trên 60 phút được quảng cáo 3 lần, mỗi lần không quá 5 phút.

Lo ngại tính khả thi khi thắt chặt quảng cáo báo chí của dự thảo, Chánh văn phòng Hội Nhà báo Việt Nam, ông Đồng Quang Tiến cho rằng: Trong thời điểm không ít những tờ báo in đang gặp khó khăn về tài chính, một số khác cũng đang tồn tại một cách khó khăn thì việc quy định như vậy sẽ khó có một tương lai phát triển cho báo chí nói chung.

Đóng góp cho Dự thảo, ông Nguyễn Thành Lương, Giám đốc Trung tâm Quảng cáo Truyền hình - Đài truyền hình Việt Nam đề nghị: Luật Quảng cáo cần chuẩn hóa quảng cáo, thời lượng quảng cáo, chương trình chuyên quảng cáo, chương trình quảng cáo bổ sung và sản phẩm quảng cáo. Mặt khác, cần bổ sung cho phép phim truyền hình do Đài truyền hình tự sản xuất hoặc xã hội hóa có kinh phí cao hơn nhiều so với phim mua bản quyền phát sóng được quảng cáo giống như các chương trình gameshow.

Ông Lương đặc biệt nhấn mạnh: Trong khi các cơ quan báo chí phải tự hạch toán thu - chi, thì việc thắt chặt quảng cáo sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của báo chí. Hơn nữa, nên có những nhìn nhận đúng về quảng cáo, bởi đây là một ngành kinh tế không khói, nếu làm tốt sẽ kiếm được nhiều tiền. Một thành phố sẽ ra sao nếu không có một tấm biển quảng cáo?

Cùng với quan điểm của ông Lương, ông Phạm Bá Dương, phụ trách quảng cáo Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội cho rằng: Ban soạn thảo Dự luật cũng nên điều chính một số quy định quảng cáo trên báo in, báo điện tử, và phát thanh truyền hình. Đồng thời, cần nêu lên một số quan điểm trong việc xác định nghĩa vụ của người quảng cáo, hợp đồng dịch vụ quảng cáo, quyền của người phát hành quảng cáo,…

Đây là Dự thảo luật lần thứ 8 được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố để lấy ý kiến tại khu vực phía Bắc (Hà Nội) vào ngày 21-22/5/2009 và tại khu vực phía Nam (TP Hồ Chí Minh) vào ngày 26-27/5/2009. Bộ này cho biết, sẽ lấy ý kiến rộng rãi của đông đảo quần chúng về Dự thảo Luật Quảng cáo trước khi trình Quốc hội và các phương tiện thông tin đại chúng./