Dự thảo Thông tư mới về hoạt động Ủy thác khác gì so với Thông tư hiện hành?
Trong dự thảo Thông tư mới, NHNN cho biết, Thông tư 04 còn chung chung và chưa đầy đủ, trong khi quy định tại Thông tư 05/2006 về hoạt động cho thuê tài chính và dịch vụ ủy thác cho thuê tài chính còn khó tham chiếu và áp dụng. Do vậy, NHNN xây dựng Thông tư mới nhằm đưa ra một quy định chung và đầy đủ nhằm đảm bảo hoạt động ủy thác được thực hiện an toàn, hiệu quả và kiểm soát rủi ro của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về dự thảo Thông tư mới và những đặc điểm khác biệt với Thông tư đang áp dụng, Luật sư Trần Minh Hải, giám đốc điều hành Công ty Luật Ngân hàng – Chứng khoán – Đầu tư (BASICO) đã có cuộc trao đổi về vấn đề này.
Ra đời đúng thời điểm
Ông đánh giá thế nào về thời điểm và mục đích NHNN đưa ra dự thảo Thông tư mới về nghiệp vụ ủy thác của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài?
Trong thời gian qua, hoạt động huy động vốn của ngân hàng có nhiều bất cập. Nhiều nhà băng huy động bằng cách chào mời khách, bằng lãi suất, nhưng cũng có ngân hàng sử dụng chiêu thức khác để lách luật đó là nhận ủy thác.
Nguyên tắc của hoạt động ủy thác cho vay là tổ chức tín dụng nhận ủy thác chỉ cung cấp dịch vụ theo đúng chuyên môn của họ và thu phí ủy thác, còn rủi ro thì bên ủy thác chịu trách nhiệm. Nhưng thực tế hoạt động này đã bị “biến tướng” bởi một số ngân hàng để hưởng chênh lệch lãi suất cao hơn hẳn so với thị trường liên ngân hàng.
Chẳng hạn khi công ty A gửi vốn vào nhà băng B để tài trợ tín dụng, nhưng phía B không tìm được nơi để tài trợ tín dụng, sau đó họ ghi hơp đồng ủy thác trong một thời hạn. Bản chất đó là một hoạt động giao dịch giả tạo che dấu hoạt động giao dịch bên trong là huy động vốn.
Cũng có những trường hợp mượn hoạt động ủy thác để ngân hàng tuồn vốn ra ngoài dưới hình thức hợp pháp để cho vay mà pháp luật không cấm . Giả sử, theo quy định, một ngân hàng không được cho vay quá mức quy định nội bộ của ngân hàng, hay cho thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, người nhà của ban quản trị vay…Nhưng với hoạt động ủy thác, người ta sẽ lách tài tình hơn, nhiều khi dòng vốn đó lại quay về chính ngân hàng ban đầu, gây ra nhiều hệ lụy.
Và Thông tư mới ra đời đã đưa ra nhiều điểm siết chặt hoạt động ủy thác. Về thời điểm, tôi cho rằng rất là hợp lý, khi mà hoạt động ủy thác đang có nhiều biến tướng gây xáo trộn hệ thống ngân hàng như vừa qua.
Hai điểm khác biệt cơ bản giữa Thông tư hiện hành và dự thảo mới
NHNN đã khẳng định Thông tư 04 đang áp dụng còn có những điểm chung chung, khó áp dụng. Vậy điểm khác biệt cơ bản nhất trong dự thảo Thông tư mới và khắc phục được những yếu điểm của Thông tư hiện hành là gì thưa ông?
Trước đây hoạt động ủy thác ngân hàng thực hiện theo quy định của NHNN, và trở thành một quy định, quy chế mà các ngân hàng thực hiện với nhau. Nhưng tại tháng 3 năm nay, thông tư 04 được ban hành cụ thể về hoạt động ủy thác và nhận ủy thác, và chỉ sau 6 tháng có dự thảo Thông tư mới.
Trong Thông tư 04, tại phần quy định phạm vi hoạt động, ở khoản 2 điều 4 có nêu rõ: “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được nhận ủy thác của cá nhân”.
Nguyên tắc này tuy nhiên lại sai so với nội dung trong Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Trong Luật quy định, ủy thác là hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng, ngân hàng có quyền được nhận ủy thác cho vay từ các tổ chức cá nhân. Như vậy là khoản 2 điều 4 lại đi cấm điều mà Luật cho phép.
Tôi cho rằng, có thể trong thời điểm NHNN ban hành Thông tư 04, hoạt động ủy thác diễn ra phức tạp và hiện tượng lách luật thường xuyên xảy ra, trong đó nổi bật là việc huy động tiền gửi của cá nhân, vì thế NHNN đã cấm luôn việc tổ chức tín dụng nhận tiền ủy thác của cá nhân.
Nhưng rõ ràng có nhiều cách chặt chẽ hơn để cơ quan quản lý không cần phải cấm như vậy, và điều này đã được thể hiện trong dự thảo Thông tư mới. Tại dự thảo lần này, ở phần điều kiện và phạm vi ủy thác đã biến mất quy định cấm nhận ủy thác từ cá nhân. Đây rõ ràng là phần mà Thông tư mới đã khắc phục được điểm bất hợp lý của thông tư hiện hành.
Ngoài ra, tại khoản 1 điều 9 quy định về Nguyên tắc ủy thác của Thông tư 04 nêu rõ, “TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện việc nhận ủy thác và/hoặc ủy thác cho vay theo quy định của Luật Các TCTD và nội dung ghi trong Giấy phép được NHNN cấp cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”.
Trong dự thảo Thông tư mới đã không còn xuất hiện nguyên tắc phải có Giấy phép hoạt động ủy thác.
Về nguyên tắc, hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện như về vốn pháp định, có giấy phép, có chứng chỉ hành nghề, một số điều kiện về an toàn cháy nổ…Nhưng như trong quy định tại Thông tư 04 thì một doanh nghiệp có thể đăng ký kinh doanh hoạt động ngân hàng nhưng các hoạt động cụ thể thì lại phải có giấy phép.
Sau khi Thông tư 04 ra đời, bỗng dưng có bao nhiêu giấy phép con phải đẻ ra, lý do là trong giấy phép ban đầu không có phần được nhận ủy thác, ủy thác cho vay thì ngân hàng không được thực hiện nghiệp vụ đó. Và điều này là vô lý, vì ngân hàng sinh ra là để thực hiện các nghiệp vụ đó.
Theo tôi được biết, hiện trong số tất cả các ngân hàng đang hoạt động, chỉ có những ngân hàng mới là có đầy đủ giấy phép, còn lại các ngân hàng cũ thì lại không đầy đủ và phải đi xin các giấy phép con, trong đó có giấy phép ủy thác và nhận ủy thác. Như vậy điểm này rõ ràng là bất hợp lý và khó áp dụng.
Nhìn chung, tôi cho rằng dự thảo Thông tư mới một mặt là hoàn thiện hơn, thắt chặt hoạt động ủy thác bừa bãi, mặt khác là khắc phục điểm hạn chế mà thông tư hiện tại đang áp dụng.
Siết chặt hoạt động ủy thác
PV: Thông tư mới đưa ra nhằm siết chặt hoạt động ủy thác ngân hàng, vậy cụ thể so với Thông tư đang áp dụng, những nguyên tắc nào được siết chặt, thưa ông?
Đúng là dự thảo Thông tư mới đã có nhiều điểm siết chặt hơn so với Thông tư về ủy thác đang thực hiện.
Chẳng hạn như đối tượng tham gia ủy thác, nhận ủy thác được khoanh vùng về các đối tượng được làm nghiệp vụ đó theo quy định của pháp luật.
Bên nhận ủy thác phải đảm bảo tuân thủ các giới hạn, tỷ lệ an toàn nhằm hạn chế việc lợi dụng hoạt động ủy thác để tránh các giới hạn an toàn.
Trong dự thảo Thông tư mới còn quy định rõ bên nhận ủy thác không được sử dụng vốn trái mục đích, nội dung của hoạt động ủy thác theo hợp đồng với bên ủy thác. Việc này giúp hạn chế việc TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài lạm dụng vốn ủy thác, sử dụng sai mục đích ủy thác và tránh hiện tượng bên ủy thác, bên nhận ủy thác cấu kết làm trái các quy định về ủy thác.
Chấm dứt hoạt động ủy thác sẽ có lợi cho hoạt động ngân hàng
PV: Theo ông, việc siết chặt hoạt động ủy thác có hoàn toàn ngăn chặn được những biến tướng trên thị trường hiện nay?
Trước đây hoạt động ủy thác ở thời kỳ hoạt động ngân hàng diễn ra bình ổn, bản chất của nó chỉ là tổ chức, cá nhân, không phải là ngân hàng với nhau. Khi họ có một đối tượng khách hàng cung cấp dư nợ mục tiêu muốn tài trợ, nhưng không đủ năng lực thẩm định chuyên nghiệp như ngân hàng, thì họ sử dụng dịch vụ ngân hàng thay cho họ cho vay bên kia, sau đó họ trích một phần lợi nhuận cho ngân hàng gọi là phí.
Nhưng với tính chất ấy ở thời điểm hiện nay là vô nghĩa, vì các tổ chức có tiền sẽ đi gửi ngân hàng để lấy lãi, sau đó ngân hàng cho vay sẽ an toàn hơn nhiều, chứ không cần phải ủy thác.
Tôi cho rằng, với những biến tướng về nguồn vốn như hiện nay, việc siết chặt hoạt động ủy thác chắc chắn có tác dụng tích cực. Tuy nhiên, tác dụng tới đâu còn phụ thuộc vào các biện pháp quản lý của NHNN.
Ngoài ra, nếu như trước đây, ủy thác là một hoạt động thêm thắt của ngân hàng. Ngân hàng là trung gian tài chính, lấy nguồn vốn của số đông để tài trợ cho doanh nghiệp. Trong quá trình đó, nhà đầu tư có thêm kênh để đầu tư khi họ có tiền nhưng không có nghiệp vụ.
Còn ở thời điểm này, nhà đầu tư có nhiều lựa chọn. Hoạt động ủy thác nếu được siết chặt qua giai đoạn này, và nếu để nó không tồn tại nữa thì sẽ tốt hơn cho hoạt động ngân hàng.
Vâng, xin cảm ơn ông