FDI mong manh ranh giới lạc quan, bi quan

Nhận định chung về FDI, Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư (KH- ĐT) Võ Hồng Phúc luôn lạc quan: “Thời điểm này FDI vào Việt Nam có giảm nhưng so với khu vực vẫn rất tốt”.
 
Nhưng thực tế, tình hình FDI vẫn trong ranh giới rất mỏng manh của lạc quan và bi quan khi phía sau “vầng hào quang” về thu hút vốn vẫn còn là những câu hỏi còn bỏ ngỏ.
 
Lạc quan
 
Năm 2009 theo dự kiến lượng FDI thu hút được khoảng 20 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện dự tính là 8 tỷ USD. Con số FDI đăng ký đã giảm một cách rất “sốc” khi chỉ bằng 22,6% so với cùng kỳ năm 2008 nhưng chính điều đóđã tạo nên niềm hy vọng mới về việc khoảng cách giữa giải ngân và vốn đăng ký đang được thu hẹp lại.
 
Giải ngân vốn ODA đạt 67% kế hoạch năm, tăng tới 9% so với cùng kỳ năm 2008. Năm 2009, Việt Nam đặt mục tiêu giải ngân 1,9 tỷ USD, trong đó, vốn vay là 1,6 tỷ USD và vốn viện trợ không hoàn lại là 300 triệu USD. Nhưng chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, giải ngân ODA đãđạt 1,27 tỷ USD.
 
Tại một sốđịa phương, kế hoạch giải ngân đãđạt được những kết quảđáng kinh ngạc. Như TPHCM, chỉ mới qua nửa năm, địa phương này đã vượt kế hoạch giải ngân ODA năm 2009 tới 18%. Tại Hà Nội, tỷ lệ giải ngân ODA cũng đạt 57% kế hoạch năm.
 
Phân tích về niềm hy vọng này, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH- ĐT) Phan Hữu Thắng cho biết, tuy bùng nổ lượng vốn đăng ký tạo hình ảnh hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nhưng vốn mà nền kinh tế có khả năng hấp thụđược chỉ gần 10 tỷ USD.
 
Nếu gỡ bỏ yếu kém về cơ sở hạ tầng thì cũng chỉ tăng giải ngân được từ 10 - 15%. Vì thế, để hài hòa cho nền kinh tế, vốnđăng ký FDI chỉ nên gấp đôi vốn thực hiện và có sự gối đầu. Cùng đó, tập trung giải ngân.
 
Đẩy mạnh giải ngân sẽ giúp việc xúc tiến dự án được nhanh chóng. Ông Thắng cũng cho biết, việc đẩy mạnh giải ngân bắt đầu được thực hiện ráo riết từ cuối năm 2007 và năm 2008 với các đề án giải ngân cụ thể.
 
Bi quan
 
Nhiều dự án hàng tỷ USD vẫn chỉ nằm trên giấy là đang là một nỗi buồn không nguôi đằng sau “vầng hào quang” về tạo hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế về FDI. Như trong năm 2008, với gần 70 tỷ USD vốn FDI nhưng chỉ có 4 tỷ USD giải ngân trong sáu tháng đầu năm 2009.
 
Một thực tế khác không khỏi thất vọng về FDI là những nhà đầu tư luôn lựa chọn các lĩnh vực ít rủi ro nhất, mang lại hiệu quả và nhanh thu hồi vốn nhất. Như tại “đầu tàu” cả nước về FDI là TPHCM, đầu tư nước ngoài trong sản xuất công nghiệp hiện chủ yếu vẫn là gia công lắp ráp. Nguồn nguyên liệu còn phụ thuộc vào nước ngoài, tỷ lệ nội địa hóa thấp.
 
Theo nhận xét của Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo: “Chúng ta đã biến thị trường trong nước thành nơi chuyên đóng gói. Thực tế, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là bởi họ nhìn thấy có thể khai thác, tận dụng nguồn nhân công giá rẻ, nguồn tài nguyên, khoáng sản...
 
Chúng ta vẫn nói là chúng ta sẽ khai thác, học tập được từ các nhà đầu tư nước ngoài công nghệ máy móc hiện đại, kinh nghiệm quản lý... Nhưng, kết quả mà chúng ta nhận được dường như còn rất chừng mực”.
 
Đã thế, còn một thực tếđáng buồn khác đang diễn ra là một số dự án FDI “bóp chết” các nhà sản xuất trong nước. Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Phạm Chí Cường đã không ít lần bầy tỏ sựđau khổ về việc “chết hết cả” của các nhà máy thép trong nước khi ngành thép “được” đón hàng chục các dự án quy mô hàng tỷ USD...
 
Bất chấp khủng hoảng, lượng FDI thu hút được của Việt Nam vẫn luôn là một niềm lạc quan lớn. Nhưng để chấm dứt những bi quan đang tồn tại song hành, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc trả lời thấu đáo các câu hỏi như tỷ lệ những ngành nghề nước ngoài đầu tư vào nước ta như thế nào, hiệu quảđến đâu? Những được và mất 20 năm qua trong các chính sách FDI…
 
Tổng hợp của Bộ KH-ĐT về tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tháng đầu năm 2009, có tới 42 địa phương không thể thu hút được dự án FDI nào mới trong 6 tháng đầu năm.
 
Như tại 10 địa phương thuộc vùng Đông Bắc, chỉ có duy nhất Bắc Giang có thêm 3 dự án mới. Cả vùng Tây bắc và Bắc Trung Bộ cũng chỉ có duy nhất Thừa Thiên- Huế có thêm 1 dự án mới…