FTA - "mảnh đất hứa" cho doanh nghiệp xuất khẩu

FTA - "mảnh đất hứa" cho doanh nghiệp xuất khẩu

Ông Chinh cho biết, việc tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Khu vực Mậu dịch tự do đem lại chính là cơ hội để Việt Nam gia tăng kim ngạch xuất khẩu.

Cụ thể, việc xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Hàn Quốc đã tăng 67,5%; sang Nhật Bản tăng 49%; vào Trung Quốc tăng 56%; Lào tăng 36%, đặc biệt vào khu vực ASEAN đã có tăng trưởng đột biến tới 98%.

Điều này đã góp phần nâng tỷ lệ xuất khẩu của Việt Nam vào các khu vực FTA trong 6 tháng đầu năm nay lên trên 12,9%, trong khi hai năm gần đây, tỷ lệ này chỉ chiếm khoảng 9 - 10%.

Bên cạnh việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào các khu vực này, ông Chinh còn cho rằng, chuyển dịch lớn nhất mà các FTA mang lại là các doanh nghiệp Việt Nam nhận biết được nhưng mặt hàng có lợi thế, cũng như định hướng được thị trường mục tiêu, bởi trong các FTA, mỗi mặt hàng, mỗi nhóm hàng đều có lộ trình giảm thuế cụ thể.

Chẳng hạn như Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản bắt đầu có hiệu lực từ tháng 10/2009, với quy định giảm tất cả các mức thuế đối với hàng dệt may nhập khẩu vào Nhật Bản xuống 0%, đã mở ra cơ hội lớn cho ngành dệt may Việt Nam chiếm lĩnh thị trường tiềm năng vốn đã rất quen thuộc này.

Thời điểm từ nay tới năm 2012 thuận lợi hơn cho Việt Nam khi các đối tác đã dỡ bỏ hầu hết thuế nhập khẩu trong khi chúng ta mới chỉ ở giai đoạn đầu cắt giảm. Ví dụ, hiện thuế nhập khẩu của 90% mặt hàng từ ASEAN vào Trung Quốc đã giảm về 0-5% trong khi ta mới đưa vào cắt giảm xấp xỉ 30% dòng thuế. Từ 2011-2012, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm sâu để hoàn thành các cam kết mở cửa trong khoảng năm 2016-2018.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, các doanh nghiệp trong nước nên tận dụng triệt để những lợi thế từ các Hiệp định FTA nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Ước tính, với tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước năm 2010 đạt khoảng 66 - 67 tỷ USD thì kim ngạch xuất khẩu vào các khu vực FTA sẽ đạt khoảng 8,6 tỷ USD.

Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xúc tiến đàm phán một số Hiệp định FTA với các thị trường quan trọng khác. Cụ thể, Việt Nam đang tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) Hiệp định có tác động rất lớn đối với hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển sản xuất trong nước; Hiệp định thiết lập khu vực mậu dịch tự do với bốn nước thành viên của khối tự do mậu dịch châu Âu là Thụy Sĩ, Aixlen, Liechtenstein và Na Uy (EFTA)...

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tích cực nghiên cứu để thời gian tới triển khai đàm phán Khu vực mậu dịch tự do với Liên minh châu Âu (EU)./.