Gạo Việt được ưa chuộng tại Bờ Biển Ngà
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, năm 2011, gạo tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu số 1 của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà với kim ngạch đạt 138,8 triệu USD, tăng 13% so với năm 2010 và chiếm tới 95% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Đây là kết quả ấn tượng nếu chúng ta biết rằng trong những tháng đầu năm 2011, tình hình xuất khẩu sang thị trường Bờ Biển Ngà gặp rất nhiều khó khăn do tác động của khủng hoảng chính trị.
Theo Vụ Thị trường châu phi, Tây Á, Nam Á, Bộ Công Thương các doanh nghiệp Việt Nam đã bắt đầu nhận thức được tầm quan trọng của thị trường này nên rất tích cực tham gia các đoàn XTTM do Bộ Công Thương tổ chức và chủ động tổ chức đoàn tìm hiểu thị trường, gặp gỡ đối tác Bờ Biển Ngà.
Cụ thể, các DN Việt Nam đã làm việc trực tiếp với Công ty SDTM-CI của quốc gia này (nắm giữ 70% thị trường nhập khẩu gạo) và Công ty Olam Ivoire (chiếm 10% thị phần). Ngoài ra, một số doanh nghiệp Việt Nam đã mở văn phòng đại diện tại Bờ Biển Ngà để tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu như Công ty Cổ phần chế biến hàng xuất khẩu Lafooco (Long An)…
Theo Liên đoàn quốc gia Các hợp tác xã lương thực của Bờ Biển Ngà (FENACOVICI), Bờ Biển Ngà còn nhiều khó khăn trong việc tự đáp ứng nhu cầu gạo cho thị trường do sản xuất lúa gặp một số hạn chế như thiếu nước tưới, gạo địa phương chưa được người tiêu dùng trong nước biết đến hoặc không được ưa chuộng, còn thiếu trầm trọng máy đập lúa, thiết bị thu gom và xe cộ vận chuyển ở những con đường khó đi... Mặt khác, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ mới để đẩy mạnh sản xuất lúa cũng khá tốn kém và đòi hỏi cần phải có thời gian. Do đó, việc nhập khẩu gạo với số lượng lớn hàng năm (khoảng 900.000 tấn) vẫn sẽ tiếp tục.
Bên cạnh đó, dân số tăng và thay đổi trong thói quen tiêu thụ của người dân đã tác động nhiều đến thị trường gạo tại Bờ Biển Ngà. Cùng với việc đô thị hoá, người dân thích ăn gạo hơn vì các món ăn làm từ gạo mất ít thời gian hơn, tiêu tốn ít củi hơn và đơn giản hơn những món ăn truyền thống làm từ những loại lương thực khác.
Đáng lưu ý, ngoài nhu cầu nhập khẩu gạo để phục vụ tiêu dùng trong nước, Bờ Biển Ngà còn mua gạo để tái xuất sang các nước láng giếng nhờ vị trí địa lý trung tâm trong tiểu vùng (có cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển Abidjan – được xem là Rotterdam của châu Phi, đường giao thông vào loại tốt nhất Tây Phi, hệ thống ngân hàng cũng phát triển nhất tiểu vùng,…). Đây là những yếu tố thuận lợi cho các DN Việt Nam nếu muốn khai thác nhiều hơn ở thị trường tiềm năng này.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời gian tới, gạo tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà, chiếm tỷ trọng từ 90-95% tổng kim ngạch xuất khẩu khi mà Bờ Biển Ngà chưa thể sản xuất đủ lương thực và người dân Bờ Biển Ngà cũng như doanh nghiệp nhập khẩu gạo đã quen với gạo Việt Nam.
Dự báo năm 2012, với việc tình hình chính trị dần đi vào ổn định và nền kinh tế hoạt động ổn định, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Bờ Biển Ngà sẽ đạt 180 triệu USD và năm 2013 đạt 215 triệu USD, với mức tăng trung bình 20%/năm.