GE Energy rất quan tâm tới dự án điện gió

GE Energy rất quan tâm tới dự án điện gió
Việt Nam đang được các công ty năng lượng quốc tế đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển công nghệ điện gió, song vẫn có cơ chế ưu đãi để biến các dự án năng lượng tái tạo thành hiện thực. Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc GE Energy (Mỹ) tại Việt Nam đã có trao đổi về vấn đề này.
 
Thưa ông, GE Energy đang gấp rút triển khai xây dựng nhà máy sản xuất turbines gió tại Hải Phòng. Đây có phải là tiền đề để GE Energy thực hiện kế hoạch đầu tư dài hạn vào các dự án điện gió tại Việt Nam?
 
Nhà máy của GE Energy đang được xây dựng tại Hải Phòng và dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động vào đầu năm 2010. Với nhu cầu điện tăng trưởng hai con số như hiện nay, chúng tôi nhận thấy rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. 
 
Tính đến nay, GE Energy đã tiến hành xây dựng và lắp đặt khoảng 12.000 turbine điện gió tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với bề dày kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của mình, GE Energy sẵn sàng chia sẻ và hợp tác với các chuyên gia hoạch định chính sách năng lượng và các công ty tại Việt Nam để xây dựng, phát triển các dự án điện sử dụng năng lượng gió.
 
Việt Nam được đánh giá là có nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu mỏ... khá dồi dào. Theo ông, tại sao Việt Nam cần tính ngay tới việc đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trong khi những dự án này đòi hỏi các khoản đầu tư rất lớn?
 
Nguồn năng lượng hóa thạch cũng như nguồn năng lượng tái tạo đều đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng của mỗi quốc gia. Vấn đề là, làm thế nào để đa dạng hóa các nguồn năng lượng sẵn có, bởi nguồn năng lượng tái tạo vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu điểm của dự án năng lượng tái tạo là có thể xây dựng và đưa vào sử dụng nhanh hơn.
 
Theo kinh nghiệm, chỉ mất khoảng 2 năm để xây dựng và đưa vào vận hành các dự án điện gió, trong khi các nhà máy điện sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch có quy mô tương tự sẽ cần có thời gian xây dựng lâu hơn. Giá bán điện của các dự án sử dụng năng lượng tái tạo là điều rất được quan tâm. Trên thực tế, mức giá này có xu hướng giảm tùy thuộc vào thời gian và quy mô của từng dự án.
 
Ví dụ tại Mỹ, vào những năm 80 của thế kỷ trước, giá bán điện của các nhà máy điện gió trung bình hơn 30 UScent/kWh, nhưng hiện nay mức giá này chỉ khoảng 8,5 UScent/kWh. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) rất quan tâm tới các dự án năng lượng tái tạo và họ sẵn sàng chấp thuận các khoản vay ưu đãi cho các dự án như vậy. Đây cũng là một thuận lợi lớn cho các nhà đầu tư, bởi họ có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn quốc tế để thực hiện dự án.
 
Đối với Việt Nam hiện nay, vấn đề quan trọng là Chính phủ cần khẩn trương xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi để thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo.
 
Theo ông, đó là những chính sách hoặc ưu đãi cụ thể nào?
 
Chính sách của Chính phủ sẽ tạo ra một hành lang pháp lý minh bạch và ổn định cho việc thực hiện các dự án năng lượng tái tạo, đồng thời tạo ra thị trường cho các dự án này. Chính sách cũng bao gồm việc Chính phủ hoạch định mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo cụ thể, chẳng hạn như năng lượng tái tạo có thể chiếm 5% toàn bộ cơ cấu nguồn năng lượng quốc gia vào năm 2030.
 
Tất nhiên, khung chính sách phải mang tính ổn định trong một thời gian dài nhất định để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Khi thị trường đã được hình thành, các dự án năng lượng tái tạo cần được hưởng những ưu đãi bao gồm việc Chính phủ bảo lãnh một mức giá mua điện ưu đãi trong một khoảng thời gian nhất định để đảm bảo chủ đầu tư có thể thu hồi vốn. Các chính sách ưu đãi cũng phải mang tính dài hạn. Ngoài ra, còn có các hình thức ưu đãi khác như ưu đãi về thuế, vốn và bán khí thải...
 
Liệu nhiều nhà đầu tư có quan tâm tới các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam?
 
Trên thực tế tại Việt Nam hiện nay, đã có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới việc xây dựng và triển khai các dự án điện gió. Tôi hoàn toàn tin rằng, ngay khi Chính phủ đưa ra các chính sách cùng các ưu đãi phù hợp, các nhà đầu tư sẽ lập tức đệ trình các dự án.