Gia công PM Việt Nam rẻ nhất châu Á

Hãng nghiên cứu thị trường Gartner vừa công bố báo cáo xếp hạng 10 quốc gia có dịch vụ GCPM đứng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo này của Gartner không xếp thứ hạng giữa các quốc gia mà đánh giá theo 10 tiêu chí liên quan đến GCPM, gồm kỹ năng ngoại ngữ, hỗ trợ của Chính phủ, nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, hệ thống giáo dục, chi phí, sự ổn định kinh tế và chính trị, tương đồng văn hóa, khả năng toàn cầu hóa, và an ninh và bảo vệ quyền riêng tư.

Các tiêu chí này được đánh giá theo năm mức, gồm: yếu, trung bình, tốt, rất tốt và tuyệt vời. Theo đó, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có giá GCPM rẻ nhất trong số 10 quốc gia. Tuy nhiên, ngoài thế mạnh về chi phí thấp, các tiêu chí còn lại của Việt Nam đều ở mức yếu và trung bình. Trong đó, Việt Nam có tới 4 chỉ số bị đánh giá ở mức thấp nhất (yếu – poor) là kỹ năng ngoại ngữ, hỗ trợ của Chính phủ, cơ sở hạ tầng, an ninh và bảo vệ quyền riêng tư. Các tiêu chí nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục, sự ổn định chính trị và kinh tế, tương đồng văn hóa, khả năng toàn cầu hóa cũng chỉ được đánh giá ở mức trung bình.

Như vậy, xét tổng thể trên các tiêu chí của Gartner, Việt Nam là quốc gia được đánh giá thấp nhất, sau cả những quốc gia “chiếu dưới” trong bảng xếp hạng này như Philippines, Thái Lan và Parkistan. Cụ thể, so với Thái Lan, Việt Nam chỉ hơn ở chi phí và cùng yếu ở an ninh và bảo vệ quyền riêng tư, còn thua một mức ở các tiêu chí còn lại. Còn so với Philippines, Việt Nam cũng chỉ nhỉnh hơn một mức ở chi phí gia công, còn thua xa ở nhiều tiêu chí từ kỹ năng ngoại ngữ, tương đồng văn hóa, nguồn nhân lực, hệ thống giáo dục, cơ sở hạ tầng, sự hỗ trợ của chính phủ đến khả năng tham gia vào toàn cầu hóa.

Trong báo cáo này, Gartner cho rằng Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia GCPM hàng đầu châu Á, tuy nhiên Trung Quốc và Philippines đang trở thành những thế lực thách thức vị trí số 1 của nước này. Mặc dù doanh thu GCPM của Ấn Độ vẫn tiếp tục gia tăng nhưng thị phần toàn cầu lại đang giảm. Trong khi đó, quốc gia này đang gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến GCPM như chi phí nhân lực tăng, tỷ lệ nhân viên "nhảy" việc cao, các vấn đề chính trị điển hình như vụ khủng bố ở Mumbai và gần đây là bê bối tài chính ở tập đoàn GCPM Satyam.

 

2.jpg
Năm mức đánh giá: Poor (yếu), Fair (trung bình), Good (tốt), Very Good (rất tốt), Excellent (tuyệt vời).

Nếu xét trên tổng thế các tiêu chí cộng với quy mô thị trường, Gartner cho rằng Ấn Độ và Trung Quốc là hai quốc gia có nhiều lợi thế nhất trong GCPM ở khu vực châu Á. Các nước Úc, New Zealand và Singapore sẽ định vị là thị trường có cơ sở hạ tầng và hệ thống giáo dục tốt nhất, là nơi phù hợp với những dịch vụ gia công giá trị cao.

Xét về chi phí, bức tranh lại hoàn toàn khác hẳn, Việt Nam là quốc gia số một, còn Trung Quốc, Ấn Độ, Parkistan, Philippines và Thái Lan xếp sau một mức. Môi trường kinh tế và chính trị là vấn đề quan trọng với các công ty trong việc chuyển gia công ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong vấn đề này, Việt Nam cùng với Parkistan, Philippines và Thái Lan lại bị đánh giá thấp.

Danh sách 10 quốc gia hàng đầu về GCPM ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương xếp theo thứ tự alphabe gồm Ấn Độ, Malaysia, New Zealand, Parkistan, Philippines, Singapore, Thái Lan, trung Quốc, Việt Nam và Úc