Giá trị sản xuất công nghiệp tăng thấp nhất trong 4 năm qua: Cần các giải pháp cấp bách

Hiện nay, khó khăn nhất trong khối công nghiệp phải kể đến ngành Thép. Hầu hết, các DN thép phải sản xuất cầm chừng, một số DN chuyên cán thép đã tạm ngừng sản xuất để tiêu thụ lượng thép tồn từ 2, 3 tháng nay. Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, do lạm phát và suy thoái kinh tế, nhiều dự án bất động sản cũng ngừng triển khai, nhu cầu tiêu thụ thép và các vật liệu xây dựng khác chỉ ở mức 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến cuối tháng 10-2008, lượng thép tồn kho khoảng 1 triệu tấn, tương đương khoảng 1 tỷ USD. Với mức tiêu thụ như hiện nay, không cần sản xuất, Tổng công ty Thép vẫn đủ hàng cho tiêu thụ trong 3 tháng tới và lượng tồn kho phôi thép hiện nay đủ cung cấp cho hết quý I-2009. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng trong tình trạng tương tự, khi còn tồn kho tới 5 triệu tấn than, trong đó có hơn 2,5 triệu tấn than sạch. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, TKV phải tiêu thụ khoảng 4 triệu tấn nữa, nhưng giá than dù đã giảm từ 202 USD/tấn (thời điểm tháng 7-2008) xuống còn 95 USD/tấn mà vẫn không có khách mua. Đặc biệt, 4 khách hàng lớn trong nước (gồm điện, đạm, giấy và xi măng) chỉ tiêu thụ 62-80% so với kế hoạch đã đăng ký đầu năm, nên lượng than tồn kho lớn.

Hiện nay, nhiều ngành bị rơi vào tình trạng tồn kho hàng hóa như ngành Điều, tồn 30.000 tấn. Có tới 80 - 90% DN vừa và nhỏ của ngành ngừng sản xuất vì không có lãi. Ngành Dệt cũng bị âm vào vốn khi tích trữ nguyên liệu lúc giá đang cao, đến lúc bán thành phẩm giá nguyên liệu và sản phẩm lại xuống thấp, trong khi thị trường bị thu hẹp. Ngành Giấy, lúc giá giấy lên cao, thị trường khan hiếm hàng, Nhà nước hạ thuế, các DN đồng loạt nhập khẩu giấy và bột giấy. Đến nay, giá xuống hơn 60%, lượng tồn kho giấy còn khoảng 46.000 tấn...

Trong cuộc họp tìm cách gỡ khó cho sản xuất, xuất khẩu vừa diễn ra tại Bộ Công Thương, đa số DN cho rằng rất cần sự giúp đỡ của Chính phủ trong cơ chế tiếp cận vốn vay, điều chỉnh mức thuế hợp lý để duy trì sản xuất. Hiệp hội Dệt May Việt Nam kiến nghị, cần giảm thuế nhập khẩu xơ từ 3% xuống còn 0% để phù hợp với lộ trình giảm thuế chung khi Việt Nam gia nhập WTO, giúp các DN ngành Dệt vượt qua giai đoạn khó khăn. TKV cũng đã gửi văn bản lên Bộ Công Thương xin phép được mở lại việc buôn bán biên giới nhằm tiêu thụ lượng than chất lượng thấp còn tồn tới gần 3 triệu tấn. Trước nguy cơ hàng tồn kho lớn, xuất khẩu bị ảnh hưởng, Bộ Công Thương đang yêu cầu các DN tính toán để cân đối năng lực sản xuất phù hợp với sức tiêu thụ thị trường, trong đó phải đẩy mạnh các biện pháp bán hàng nội địa cùng với xuất khẩu. Nguy cơ mà Bộ Công Thương lo ngại là tình hình giảm phát có thể xảy ra. Vì thế, cần cấp thiết cải thiện cơ chế tiếp cận các nguồn vốn và thủ tục hành chính để đẩy nhanh việc thực hiện các công trình xây dựng bởi đang vào đầu mùa khô. Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính nới rộng các điều kiện giải ngân đối với các dự án đầu tư trong giai đoạn cuối, các dự án trọng điểm để kích cầu tiêu thụ trong nước. Đây là một biện pháp cấp bách, vừa giải quyết đầu ra cho các sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, vừa thúc đẩy đầu tư cơ sở để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2008 và 2009.