Giá trị xuất khẩu nông, lâm thủy sản tháng 10: Tăng mạnh nhờ giá cao

Giá trị tăng mạnh

Các chuyên gia đều nhận định thành tích xuất khẩu năm nay cao là do được cả mùa và cả giá. Với diễn biến như hiện nay, đến hết năm tổng kim ngạch xuất khẩu có thể vượt 23 tỷ USD như dự đoán hồi đầu năm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Chỉ tính riêng tháng 10/2011, các mặt hàng nông sản chính: gạo, sắn, cà phê, tiêu… đã ước đạt 11,6 tỷ USD, tăng xấp xỉ 45%; thuỷ sản ước đạt 4,95 tỷ USD, tăng 23,2% và lâm sản đạt 3,4 tỷ USD, tăng 16,2%. Lần đầu tiên, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, tiệm cận với giá gạo của Thái Lan, bình quân đạt 500 USD/tấn (tăng xấp xỉ 7% so với cùng kỳ năm 2010). Với lợi thế này, gạo xuất khẩu đã đóng góp không nhỏ vào xuất khẩu nói chung và nông lâm thủy sản nói riêng.

Cao su xuất khẩu khoảng 80 ngàn tấn và thu về 342 triệu USD, mặt hàng này đã khẳng định được thế mạnh cũng như tiềm năng của mình. Xuất khẩu cao su tăng trưởng về kim ngạch ở hầu hết các thị trường dù lượng xuất khẩu sang một số thị trường sụt giảm. Giá cao su xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm tăng 56,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là động lực chính thúc đẩy giá trị xuất khẩu tăng cao.

Nhìn chung, các mặt hàng nông lâm thủy sản khác đều tăng vọt về giá xuất khẩu. Giá xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn bình quân 9 tháng tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước,  đạt 355,9 USD/tấn; Nguồn cung nội địa giảm đẩy giá cà phê trong nước tăng mạnh. Giá xuất khẩu bình quân đang ở mức 2.209 USD/tấn tăng 53% so với cùng kỳ năm trước;

Ngoài ra, xuất khẩu tiêu tháng 10 ước đạt 10 ngàn tấn, kim ngạch đạt 72 triệu USD đưa khối lượng tiêu xuất khẩu 10 tháng lên con số 120 ngàn tấn với giá trị kim gạch xuất khẩu 702 triệu USD, tăng 15,2% về lượng và gấp gần 2 lần về giá trị so với cùng kỳ 2010. Giá tiêu xuất khẩu cũng trên đà tăng mạnh, bình quân đạt khoảng  5.730 USD/tấn tăng 69,1% so với cùng kỳ.

Mở rộng thị trường

Để tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt Nam đã không ngừng tìm kiếm, nâng cao và mở rộng thị trường tiêu thụ. Với các thị trường truyền thống của nông, lâm thủy sản Việt Nam như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan… Việt Nam tiếp tục thực hiện các cam kết về chất lượng xuất khẩu, đẩy mạnh và tích cực phát triển thị trường, các đối tác truyền thống đầy tiềm năng này.

Hiện châu Á là thị trường số 1 của gạo Việt Nam, chiếm tới khoảng 60% tổng lượng gạo xuất khẩu, tiếp đó là châu Phi ( khoảng 24%), châu Mỹ khoảng hơn 8%…. In-đô-nê-xia tiếp tục giữ vững vị trí là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với mức tăng gấp 3,4 lần về lượng và gấp 2,8 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường khác như Xê-nê-gan cũng tăng gấp hơn 5 lần và Trung Quốc tăng gấp hơn 3 lần về giá trị. Mặc dù thị trường Phi-lip-pin và Xinh-ga-po sụt giảm khá mạnh nhưng để bù vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng cường xuất khẩu sang các thị trường mới như Băng-la-đet, Xê-nê-gan, Bờ Biển Ngà và Gana. Không chỉ vậy, trong thời gian tới, các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tiếp tục được mở rộng. Theo thống kê, các doanh nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đang mở rộng xuất khẩu nông sản sang thị trường mới là Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) với 20.000 tấn gạo, 2.000 tấn thủy sản, trị giá trên 10 triệu USD, nâng tổng lượng nông sản đã xuất sang UAE từ đầu năm đến nay đạt 118 triệu USD. Đây là thị trường tiềm năng đối với các doanh nghiệp Việt Nam.

Nguồn cung hạn chế khiến lượng xuất khẩu tiêu sang một số thị trường sụt giảm, nhưng kim ngạch xuất khẩu tiêu vẫn tăng khá mạnh ở các nước như Hoa Kỳ,  Các TVQ Ả Rập Thống Nhất, Ấn Độ, Pakixtan đều gấp hơn 2 lần về giá trị và Ai Cập, Tây Ban Nha, Xingapo tăng gấp hơn 3 lần về giá trị…

Tuy nhiên phải nhìn nhận rằng, mặc dù các sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng chủ yếu mới dưới dạng thô, giá trị gia tăng thấp, thêm vào đó còn phải gánh nhiều chi phí trung gian như cảng biển, bốc dỡ… nên giá trị thực thu về không cao. Trong thời gian tới, Việt Nam cần có những chính sách mang tính lâu dài, đảm bảo để thu lại giá trị cao nhất từ các mặt hàng vốn là thế mạnh này.