Giải quyết khúc mắc tại Dự án ĐT744 (Bình Dương): Chủ đầu tư bình chân, nhà thầu lo sốt vó
Tỉnh chỉ đạo quyết liệt
Cần phải nói ngay rằng, sau khi có phản ánh, UBND tỉnh Bình Dương đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành chức năng hướng dẫn chủ đầu tư là Ban quản lý dự án (Ban quản lý) Đầu tư Xây dựng thực hiện điều chỉnh giá theo đúng quy định pháp luật.
Đầu tiên, UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Tài chính chủ trì tổ chức cuộc họp liên ngành bao gồm 5 sở và chủ đầu tư bàn giải pháp tháo gỡ khúc mắc nêu trên. Tuy nhiên, trái với hy vọng của nhà thầu (Công ty TNHH Xây dựng và Cầu đường Đại Việt), cuộc họp liên ngành đó chỉ đem lại thất vọng cho nhà thầu, bởi sự khác biệt quan điểm giữa các sở, ngành.
Cụ thể, chủ đầu tư đổ trách nhiệm cho Ban quản lý dự án ngành giao thông - vận tải (GTVT) trước đây, mặc dù, chủ đầu tư mới - Ban quản lý - đã nhận chuyển giao và kế thừa nhiệm vụ từ chủ đầu tư cũ. Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, cần thiết phải xác định đơn vị chịu trách nhiệm để có cơ sở tiến hành thủ tục trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc điều chỉnh giá hợp đồng.
Cuộc họp đã không thể đưa ra kết luận bởi các bên tham gia cuộc họp bảo lưu quan điểm của mình. Theo đó, luồng ý kiến thứ nhất cho rằng, đối với gói thầu đoạn km 6 - km 12 (hợp đồng ký trước năm 2010), thì việc điều chỉnh giá hợp đồng phải áp dụng theo Thông tư 09/2008/TT- BXD, các gói thầu còn lại (3 gói) đoạn km 12 - km 32 sẽ điều chỉnh theo Nghị định 48/2010/NĐ - CP. Việc điều chỉnh giá hợp đồng sẽ căn cứ nguyên nhân chậm tiến độ trong từng giai đoạn.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng, nên tham chiếu việc bù giá tại Dự án Nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Chí Thanh mà tỉnh đã thực hiện trước đó. Theo cách làm tại dự án trên, việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng căn cứ vào từng thời điểm ký phụ lục gia hạn hợp đồng.
Chủ đầu tư không thống nhất với các quan điểm trên và cho rằng, sẽ điều chỉnh giá cho toàn bộ khối lượng chậm thi công, nhưng không do lỗi nhà thầu và việc điều chỉnh giá nhân công, xe máy sẽ căn cứ vào những thay đổi của chính sách tiền lương, các văn bản điều chỉnh giá nhân công, xe máy của tỉnh Bình Dương.
Sau cuộc họp bất thành, ngày 23/9, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương có Công văn số 2342/STC - ĐT báo cáo UBND tỉnh Bình Dương và ngày 10/10, UBND tỉnh Bình Dương tiếp tục có Văn bản số 3768/UBND-KTTH chỉ đạo các sở Tài chính, GTVT và Ban quản lý xử lý, xác định giá hợp đồng đối với các gói thầu. Tại văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm giao Giám đốc Ban quản lý chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở GTVT (chủ đầu tư cũ của Dự án), nhà thầu và các đơn vị tư vấn giám sát thống nhất xác định, báo cáo rõ nguyên nhân trễ hạn của từng gói thầu thuộc Dự án. Tại văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương còn yêu cầu, “xác định rõ giá trị khối lượng thực hiện theo tiến độ hợp đồng; giá trị khối lượng trễ hạn do nguyên nhân khách quan; xác định bên có lỗi để đề xuất hướng xử lý.
Quả bóng trách nhiệm đang được “ban bật”
Đại diện phía nhà thầu Đại Việt cho phóng viên Báo Đầu tư biết, việc giải quyết khúc mắc chưa có bước tiến đáng kể. Vấn đề thanh toán khối lượng cát bù lún ở gói thầu số 4, số 5 đã được tỉnh đồng ý chủ trương cho chuyển phương án bù lún trong quá trình gia tải từ vật liệu sỏi đỏ sang cát. Bước tiếp theo là xác định khối lượng cát bù lún và áp giá để thanh toán lại phải chờ chủ đầu tư trình và xin ý kiến quyết định của UBND tỉnh. “Bất chấp chủ trương trên, các bước thủ tục thanh toán khối lượng cát bù lún và việc điều chỉnh giá hợp đồng chưa có bước tiến đáng kể nào”, lãnh đạo nhà thầu Đại Việt nói.
Từ tính chất phức tạp của sự việc, đại diện nhà thầu Đại Việt cho biết, tại cuộc họp ngày 19/10, lãnh đạo Ban quản lý khẳng định, Dự án chậm trễ do lỗi của chủ đầu tư vì không bàn giao mặt bằng đúng tiến độ và trong khoảng thời gian 1 tuần, các bên liên quan sẽ đánh giá và lập phương án bù giá. “Chúng tôi khẳng định, Đại Việt không có lỗi và đưa ra thêm ý kiến về những khó khăn trong quá trình thi công như việc cấm xe trên 10 tấn lưu thông qua cầu Ông Cộ (do nguyên nhân xuống cấp), nên nhà thầu phải thay đổi phương án vận chuyển vật liệu làm tăng chi phí”, nhà thầu Đại Việt nói.
Kết luận cuộc họp, ông Phạm Ngọc Sơn, Giám đốc Ban quản lý đề nghị các đơn vị liên quan cử cán bộ tham gia xác định các giá trị khối lượng thực hiện theo tiến độ hợp đồng đã ký kết, giá trị khối lượng trễ hạn do nguyên nhân khách quan, giá trị khối lượng trễ hạn do nguyên nhân chủ quan. Việc xác định các khối lượng trên sẽ thực hiện thứ tự, các bên sẽ ký biên bản để báo cáo UBND tỉnh có hướng chỉ đạo. Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, Ban quản lý chỉ có trách niệm xác nhận từ thời điểm công trình đường ĐT744 được Ban quản lý tiếp nhận.
Về ảnh hưởng bởi thời gian cấm tải trọng cầu Ông Cộ và thời gian công trình tạm ngừng thi công do chuyển giao chủ đầu tư, Ban quản lý sẽ báo cáo lên UBND tỉnh.
Ông Sơn cũng nêu quan điểm, phần giá trị khối lượng trễ hạn công trình trước thời điểm chuyển giao, gói thầu km 6 - km 12, (từ tháng 4/2013 trở về trước) Ban quản lý “sẽ chuyển nguyên trạng trở lại cho Sở Giao thông - Vận tải giải quyết”. Tuy nhiên, ông Sơn đã quên mất rằng, Ban quản lý kế thừa toàn bộ nghĩa vụ, trách nhiệm khi nhận bàn giao dự án từ chủ đầu tư cũ.
Nhà thầu Đại Việt cho biết thêm, thời gian thi công đã kéo dài gần 10 năm do khó khăn giải phóng mặt bằng và hiện vẫn còn tới 6 gói thầu chưa bàn giao hết mặt bằng, khiến nhà thầu rất khó khăn trong thi công và bố trí nhân sự, thiết bị, vật tư. Việc kéo dài thời gian thi công và chậm thực hiện điều chỉnh giá hợp đồng gây thiệt hại rất lớn cho nhà thầu. “Điều chỉnh giá hợp đồng nhằm bù đắp các chi phí trực tiếp nhà thầu đã phải chi trả. Trong khi chi phí lãi vay để thi công tính đến thời điểm này đã đội lên gần 20% giá trị hợp đồng. Ai sẽ là người chịu chi trả lãi suất vốn vay”, lãnh đạo nhà thầu Đại Việt đặt câu hỏi.
Có thể nhận định, việc giải quyết khúc mắc tại Dự án Nâng cấp mở rộng ĐT744 không hề đơn giản, nhưng trong khi chính quyền tỉnh rốt ráo chỉ đạo giải quyết, thì dường như chủ đầu tư và các cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh lại đang “cần mẫn” chuyền sang nhau quả bóng trách nhiệm.