Góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho quy hoạch đô thị

Góp phần tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho quy hoạch đô thị

Thay mặt Ban soạn thảo, ông Vương Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch xây dựng đã giới thiệu nội dung dự thảo Nghị định về Lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý QHĐT. Với 6 chương, 52 điều, ngoài quy định chung, Dự thảo quy định rõ điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn, cá nhân và lựa chọn tổ chức tư vấn lập QHĐT, đặc biệt việc lập, thẩm định và phê duyệt QHĐT; giấy phép quy hoạch; quản lý xây dựng theo quy hoạch và tổ chức thực hiện đã được nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, việc lựa chọn tư vấn tham gia lập QHĐT được quy định rõ ràng thông qua hình thức chỉ định thầu và thi tuyển. Việc lập, thẩm định và phê duyệt QHĐT quy định nội dung đồ án QHĐT, QH chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật (bao gồm giao thông đô thị, cao độ nền và thoát nước mặt, cấp điện và chiếu sáng, cấp nước, thoát nước thải, xử lý chất thải rắn, quy hoạch nghĩa trang và quy hoạch thông tin liên lạc) và quy hoạch không gian ngầm, đồng thời quy định trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt QHĐT.

Cũng tại Hôị thảo, ông Lê Đình Tri, Phó vụ trưởng Vụ Kiến trúc Quy hoạch xây dựng đã trình bày dự thảo Nghị định về Quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị. Dự thảo Nghị định này gồm 6 chương, 37 điều, trong đó quy định rõ nội dung quản lý không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị và trách nhiệm quản lý nhà nước về không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Sau khi nghe đại diện Ban soạn thảo trình bày nội dung dự thảo 2 nghị định, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội đã sôi nổi đóng góp ý kiến. Đa số các đại biểu đều cho rằng 2 dự thảo có nội dung khái quát, rõ ràng và khá đầy đủ. Tuy nhiên, cũng còn nhiều quan điểm khác nhau về các vấn đề như: có nên gộp hai nghị định thành một? Sự tham gia của cộng đồng như thế nào? Trách nhiệm của các cơ quan ra sao?…
 

Trách nhiệm quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị sẽ được phân rõ.

Phó giám đốc Sở Xây dựng Nghệ An Hoàng Trọng Kim cho rằng, 2 nghị định cùng một lĩnh vực thì nên gộp thành một nghị định cho gọn. Tuy nhiên đại diện Bộ Tư pháp lại cho rằng không nên gộp vì mỗi mghị định quy định cụ thể một nội dung và gộp thì một mghị định sẽ quá dài và khó làm.

Trong khi đó, Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội lại đề nghị cần có riêng Nghị định về quy hoạch và quản lý không gian ngầm bởi đây là vấn đề phức tạp, cần được quy định cụ thể, nếu không thực tế thực hiện sẽ có nhiều vướng mắc.

Theo các chuyên gia, việc lấy ý kiến cộng đồng cần được nhấn mạnh hơn trong nghị định. Việc thực hiện, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt cũng rất cần những quy định mang tính chất điều lệ. Đồng thời, cần làm rõ việc phân cấp để quản lý, “chỉ mặt đặt tên” người chịu trách nhiệm, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Một số địa phương đã nêu và phân tích tình hình thực tế của địa phương. “Đối với địa phương như Lào Cai, tỉnh không xem xét to bé mà xem xét về tính chất quan trọng, mức độ quan trọng của đồ án. Nếu quy định “cứng” sẽ khó thực hiện”, ông Phan Doãn Thanh - Giám đốc Sở Xây dựng Lào Cai góp ý. Cũng theo ông Thanh, vài năm trở lại đây Lào Cai quy định, đồ án phải có quy chế đi kèm và khi duyệt đồ án quy hoạch thì duyệt luôn quy chế. Quy chế do chính tư vấn lập, có sự tham gia của các ban ngành và việc này tỏ ra có hiệu quả.

Tiếp thu các ý kiến, Ban soạn thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo để Bộ Xây dựng trình Chính phủ trong thời gian sớm nhất.