Hầm đường bộ Kim liên - Đại cồ Việt (Hà nội): Biết trời mưa sẽ ngập?

- Thiết kế hệ thống thoát nước của hầm do Viện Thiết kế cầu hầm và kết cấu Nhật Bản (JBSI) thực hiện. Cơ sở của thiết kế này là dựa trên số thống kê cường độ mưa lớn nhất trong mười phút suốt 25 năm (1974-1999) tại Hà Nội. Từ đó, họ đưa ra công suất thiết kế của hệ thống bơm tiêu nước đảm bảo cho cường độ mưa 175mm/giờ. Trong khi đó, dự án thoát nước giai đoạn 1 của Hà Nội là tiêu thoát 172mm/hai ngày và 310mm/hai ngày ở giai đoạn 2.

* Ông có thể cho biết rõ hơn về hệ thống thoát nước của hầm đường bộ này?

- Hầm được bố trí ba máy bơm thường trực và một máy dự phòng. Hệ thống thu nước từ các đường gom hai bên sẽ đưa nước xuống hầm bơm và dẫn tới trạm bơm đặt trong công viên Thống Nhất cạnh đó. Trạm bơm hoạt động hoàn toàn tự động và bơm nước ra sông Sét theo cống Nam Khang. Toàn hệ thống có ba máy bơm thường trực, một máy bơm dự phòng (mỗi máy bơm có công suất 10m3/ phút). Các máy bơm hoạt động lần lượt tùy theo mực nước ngập trong hầm. Khi trong hầm hết nước thì máy bơm ngừng hoạt động.

Trên mặt bằng hầm còn có hệ thống thu nước và được thi công để nước bề mặt không tràn vào miệng hầm. Trường hợp nước ngập xung quanh cao quá 0,8m thì nước mới tràn vào hầm. Trận mưa lụt tại Hà Nội năm 2008 có cường độ 400mm nhưng khu vực ngập sâu nhất ở nút giao thông Kim Liên cũng chỉ đến 300mm. Có thể nói hệ thống thoát nước của hầm đã được thiết kế với những yếu tố khắt khe nhất và lường tới cả những yếu tố bất thường của các trận mưa lớn trong tương lai.

Hầm đường bộ nút giao thông Kim Liên - Đại Cồ Việt - Ảnh: T.Phùng

* Dư luận cho rằng chủ đầu tư nên chờ hệ thống máy bơm hoàn thành rồi mới thông xe. Phải chăng việc thông xe kỹ thuật là do ép tiến độ?

- Chúng tôi hoàn toàn lường được khi thông xe kỹ thuật thì trời mưa vẫn bị ngập. Bởi vì hệ thống bơm nước thi công công trình chỉ đáp ứng được lượng mưa 35mm. Nếu lùi lại ngày thông xe là việc dễ làm nhưng vì muốn hạn chế tình trạng ùn tắc nên chúng tôi quyết định thông xe trước và sử dụng hệ thống máy bơm để hạn chế ngập.

Đáng lẽ chúng tôi phải thông báo rộng rãi hơn cho người dân biết chỉ là thông xe kỹ thuật, nghĩa là thông xe tạm thời và hầm vẫn có thể bị tạm dừng khi có những trận mưa vượt quá công suất bơm tiêu thoát của hệ thống bơm hiện có. Như vậy dư luận đỡ bức xúc hơn.

Cũng cần nói trong thời gian tiếp tục thi công những công trình còn lại thì hầm có thể bị tạm lưu thông xe một thời gian. Trường hợp này chúng tôi thống nhất với nhà thầu sẽ thông báo trước bảy ngày để người dân biết. Đến tháng 10-2009, toàn bộ dự án sẽ được hoàn thành.

* Các máy bơm hoạt động bằng nguồn điện. Trường hợp bị mất điện lúc mưa lớn sẽ sử dụng phương án nào để tiêu thoát nước vào hầm?

- Để dự phòng cho hệ thống bơm sẽ bố trí máy phát điện 350kVA, đảm bảo chạy được cả bốn máy bơm. Với 2.000 lít dầu dự trữ sẽ đảm bảo cho máy phát điện và máy bơm hoạt động liên tục trong tám giờ. Hiện nay chúng tôi yêu cầu nhà thầu trong bảy ngày tới sẽ đưa máy bơm đầu tiên vào hoạt động bằng máy phát điện trong khi chờ đợi hoàn thành trạm bơm. Với một máy bơm hoạt động sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng ngập với lượng mưa 40mm như hôm thông xe kỹ thuật vừa rồi.

* Hầm được xây cạnh công viên Thống Nhất có hồ Bảy Mẫu và hồ Ba Mẫu luôn có mực nước cao hơn độ sâu của hầm. Trong thiết kế có tính việc triệt tiêu khả năng nước hồ tràn vào hầm như thế nào?

- Độ sâu của hầm đang sâu hơn mực nước của hồ Bảy Mẫu. Nhưng trong thiết kế đã giải quyết các vấn đề liên quan đến các hệ thống thoát nước khác nằm ở mức cao hơn so với hầm. Đây là một công trình vĩnh cửu nên tất cả yếu tố ảnh hưởng đều phải đảm bảo từ quá trình thiết kế cũng như thi công. Với các tường bêtông dày hàng mét thì ngay cả chuyện xảy ra thấm cũng là vấn đề nghiêm trọng chứ không nói là rò rỉ.

* Nhiều người thắc mắc là nếu xây cầu vượt ở nút giao thông này sẽ nhanh và dễ thi công hơn làm đường hầm. Vì sao không thực hiện phương án này?

- Nếu thiết kế cầu vượt ở nút giao thông này sẽ không hài hòa với cảnh quan của công viên Thống Nhất. Có một điều tôi muốn nói lại là hầm đường bộ này không phải là hiện đại nhất VN như các thông tin đã đưa. Nó kém hơn hầm Hải Vân nhiều lần và quy mô nhỏ hơn. Đây chỉ là hầm giao thông tại một điểm đông đúc, lưu lượng xe cộ qua lại lớn.

Hầm chui cơ giới đầu tiên ở Hà Nội

Hầm cơ giới tại nút giao thông Kim Liên là hầm chui cơ giới đầu tiên tại Hà Nội có chiều dài đường hầm 644m, rộng 18,5m, chiều cao trong hầm 6,25m. Trong tổng chiều dài hầm có 140m hầm kín, hầm hở dài 405m và 99m đường dẫn. Tổng mức đầu tư của dự án gần 400 tỉ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) là 371 tỉ đồng, vốn đối ứng trong nước là 25 tỉ đồng. Công trình được khởi công ngày 5-7-2006 và đặt ra tiến độ hoàn thành trong 22 tháng. Tuy nhiên vì nhiều lý do nên công trình chậm tiến độ hơn một năm.