Hàng lậu đổi "quốc tịch"

Tại phường Tây Thạnh, quận Tân Phú, QLTT kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH Nova phát hiện 720 chai chất xử lý môi trường nước thủy sản hiệu Aquadine ngoại nhập không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
 
Trước đó, đội QLTT 11B phát hiện tại trụ sở Công ty TNHH Đại Khánh An (số 62 đường số 3A, cư xá Bình Thới) và kho hàng của công ty này (số 245/60 đường Hòa Bình, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú) phát hiện hơn 1,9 triệu chiếc đĩa CD chưa ghi nội dung, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định.
 
Tại quận Tân Bình, QLTT kết hợp với Công an phường 5 kiểm tra cửa hàng kinh doanh điện thoại di động Tường Long (số 962 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 5) phát hiện 3.426 chiếc linh kiện điện thoại di động các loại (pin, bàn phím, dây nguồn, màn hình, tai nghe) không có hóa đơn chứng từ và 4.786 linh kiện điện thoại di động các loại (sạc, pin, tai nghe) không có nhãn phụ.
 
Kiểm tra một kho hàng tạisố 565C đường Hồng Lạc, QLTT quận Tân Bình cùng với công an TP.HCM đã phát hiện tại đây đang xuất bán 3.391 chiếc phụ tùng xe ô tô các loại không hóa đơn chứng từ, 3.643 chiếc phụ tùng ô tô không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và 960 cáikhông ghi nhãn hàng hóa.
 
QLTT quận Tân Bình bắt quả tang Công ty TNHH dược phẩm Hồng Long (số 2H đường Phạm Phú Thứ) phát hiện tại đây có chứa 12.618 hộp thuốc tây ngoại nhập không có hóa đơn chứng từ và không dán nhãn phụ theo quy định.
 
Khi kiểm tra DNTN TM-DV tin học Nhất Kiến (chung cư 150- 158 đường Trần Hưng Đạo, quận1), công an và QLTT 4A phát hiện ông Nguyễn Trần Phú đang kinh doanh 1.648 sản phẩm các loại gồm vỏ hộp mực in đã qua sử dụng, chai mực in không hiệu, hộp rubăng, hộp mực các hiệu, ống rum không hiệu, tất cả đều không có hóa đơn chứng từ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu hàng hóa.
 
Tại kho chứa hàng số A3/12, ấp 1, xã Tân Kiên (thuộc Công ty CP nhựa Tân Hóa, số 101 đường Tân Hóa, phường 14, quận 6), các cơ quan chức năng phát hiện 149.000 kg hạt nhựa ngoại nhập các loại chưa có hóa đơn chứng từ và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
 
Những vụ nêu trên chỉ là những con số nhỏ về tình hình vi phạm quy định về nhãn hàng hóa tại TP.HCM xảy ra từ đầu tháng 3 đến nay. Một cán bộ QLTT cho biết, hàng hóa nhập khẩu không ghi nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định là một kiểu đánh lừa của doanh nghiệp để gian lận xuất xứ hàng hóa, đánh lừa người tiêu dùng.
 
Với cách "quên" dán nhãn phụ bằng tiếng Việt, nhiều lô hàng được sản xuất từ Trung Quốc được đổi quốc tịch thành hàng có xuất xứ từ Hoa Kỳ. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng phát hiện hàng trăm vụ phụ tùng xe ô tô, xe gắn máy do Thái Lan, Trung Quốc sản xuất nhái nhãn hiệu các hãng của Nhật Bản nhưng không ghi nhãn phụ tiếng Việt, gây thiệt hại lớn cho người tiêu dùng khi bỏ tiền ra mua phải hàng dởm...
 
Các cơ quan chức năng TP.HCM còn phát hơn 100 vụ dùng tem chống hàng giả của các sản phẩm khác để hợp thức hóa hàng lậu, hàng kém chất lượng, hànggiả. Bình gas, đồng hồ Seiko, kính mát Gucci, áo quần Adidas dởm... được dán tem chống hàng giả dởm với số lượng nhiều, khiến người tiêu dùng vô cùng khó khăn để phân biệt nguồn gốc hàng hóa.
 
Do mức xử phạt đối với hành vi vi phạm này không cao, trong khi hiệu quả kinh tế từ việc gian lận lại rất lớn, nên có nhiều doanh nghiệp, tư nhân vi phạm và tái phạm.