Hoà Phát vừa đưa ra bài học về thái độ tốt có lợi thế nào khi làm ăn với Mỹ

 Theo Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương (VCA), 3 doanh nghiệp Việt Nam gồm Công ty TNHH Ống thép Hòa Phát, Công ty SeaH Steel Vina và Công ty Chế tạo máy Hongyuan Hải Phòng Việt Nam vừa nhận được một quyết định đáng giá bạc tỷ từ DOC (Bộ Thương mại Hoa Kỳ).

 
Quyết định đó là: 3 doanh nghiệp này được áp dụng mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm ống thép cuộn cacbon (CWP) nhập khẩu từ Việt Nam ở mức tối thiểu, từ 0-0,38%. Các doanh nghiệp khác của Việt Nam đều bị áp thuế suất ở mức rất cao: Lên đến 113,18%.
 
Sự chênh lệch khung thuế suất đáng giá bạc tỷ này được lý giải là do 3 doanh nghiệp nêu trên đã chịu khó trả lời bản điều tra của DOC trong vấn đề liên quan. Các doanh nghiệp khác thì không và phải chịu áp mức thuế rất cao, lên đến 113,18% do không hợp tác đầy đủ với DOC.
 
Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tiến hành cuộc điều tra nói trên và dự kiến sẽ ban hành kết luận cuối cùng vào ngày 16/10/2016, trừ khi thời hạn này được gia hạn thêm.
 
Theo quy định, nếu DOC ban hành kết luận cuối cùng khẳng định tồn tại hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu, đồng thời Uỷ ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (ITC) cũng ban hành kết luận cuối cùng xác định hành vi bán phá giá đó từ các quốc gia bị điều tra gây ra thiệt hại đáng kể hoặc đe doạ gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất nội địa thì DOC sẽ ban hành quyết định áp thuế chống bán phá giá.
 
Ngược lại, nếu một trong hai cơ quan nói trên ra kết luận không có phá giá hoặc không tồn tại thiệt hại thì DOC sẽ ban hành biện pháp chống bán phá giá. ITC dự kiến sẽ ban hành kết luận cuối cùng về thiệt hại trong tháng 11/2016.
 
Trước đó, ngày 28/10/2015, DOC nhận được đơn kiện chống bán phá giá từ 4 công ty của Mỹ đối với sản phẩm ống thép hàn cacbon nhập khẩu từ Việt Nam. Ngày 17/11/2015, DOC chính thức bắt đầu điều tra hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ của các công ty trên trong giai đoạn từ 1/4 – 30/9/2015. Biên độ áp thuế chống bán phá giá theo cáo buộc là 113,18%.