Hơn 500 doanh nghiệp dự Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam

Diễn đàn có chủ đề “Thách thức, giải pháp và lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam”. Các đại biểu đã thảo luận 10 chủ đề bao trùm 7 ngành (Kinh tế số, Nông nghiệp, Dạy nghề, Phân phối và Logistics, Thị trường tài chính và Huy động vốn, Công nghiệp phụ trợ, Năng lượng sạch và Tiết kiệm năng lượng) và 3 lĩnh vực (Hội nhập và Toàn cầu hóa, Khởi nghiệp và Sáng tạo, Cụm liên kết ngành).
 
Tại diễn đàn, hơn 500 doanh nghiệp tư nhân Việt Nam cùng nhau trao đổi để đánh giá khách quan thực trạng và nội lực của khu vực kinh tế tư nhân, qua đó tìm ra tiếng nói chung về những khó khăn, thách thức cũng như cơ hội và lợi thế mà khối doanh nghiệp tư nhân đã và đang phải đối mặt.
 
Trên cơ sở đó, tập hợp các đề xuất, giải pháp chiến lược cho phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam, cũng như thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên trên tinh thần hợp tác giữa khu vực kinh tế tư nhân với Chính phủ và các đối tác trong, ngoài nước để hướng tới sự phát triển bền vững của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới.
 
 
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh sáng kiến tổ chức Diễn đàn kinh tế tư nhân Việt Nam 2016 của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam.
 
Phó Thủ tướng nêu rõ, thông qua diễn đàn này, Chính phủ sẽ lắng nghe ý kiến của các bộ các ngành, các đối tác để Chính phủ tiếp thu và trình Quốc hội những quyết sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhằm đạt được mục tiêu đến 2020 sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp Việt Nam.
 
Hiện nay, cả nước có hơn 528 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, nên để thực hiện được mục tiêu nêu trên, cần có chính sách chăm lo cho số doanh nghiệp hiện có, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, xây dựng doanh nghiệp Việt Nam phát triển nhanh và bền vững cùng với các thành phần khác để phát triển hơn.
 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định: "Chính phủ Việt Nam sẽ làm hết sức mình cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế, mọi loại hình doanh nghiệp, mọi chủ thể của thị trường, có điều kiện bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh với nhau theo nền kinh tế thị trường".
 
Phó Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ Việt Nam đang tổng kết chương trình hành động, thực hiện nghị quyết 15, nghị quyết 09 để trình với Trung ương những quyết sách mới. Chính phủ Việt Nam cũng đang xây dựng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp Việt Nam nhỏ và vừa để có thể hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa của Việt Nam theo các nguyên tắc của kinh tế thị trường không phân biệt đối xử, và phù hợp với các cam kết quốc tế.