HSBC: Việt Nam tăng trưởng 6% trong quý IV
Trong báo cáo vừa công bố, tập đoàn tài chính, ngân hàng hàng đầu Anh HSBC nhận định cùng với sự phục hồi của thương mại khu vực, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng GDP 6% trong quý IV/2009 để đạt mức tăng trưởng chung của cả năm là 4,5%.
HSBC đánh giá những nỗ lực ngăn chặn suy thoái của Việt Nam đã mang lại thành công nhất định. Trong vòng 6 tháng qua (9/2008 - 3/2009), các chính sách của Việt Nam tập trung vào việc hỗ trợ tăng trưởng và tránh suy thoái.
HSBC cho rằng mức tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I/2009 đạt 3,1%, dù thấp nhất trong một thập kỷ qua, song là "một thành tựu" trong bối cảnh suy thoái toàn cầu hiện nay, đặc biệt lại ở một nước xuất khẩu đóng góp 70% GDP như Việt Nam.
Các ngành phục vụ kinh tế nội địa như thương mại bán lẻ đang phục hồi tốt; ngành xây dựng cũng đang tiến triển mạnh mẽ khi các dự án bị trì hoãn do lo ngại lạm phát năm 2008 đã được thực hiện trở lại. Ngoài ra, Việt Nam cũng đã bắt đầu thu được kết quả từ chính sách nới lỏng tiền tệ và tài khóa. Tuy nhiên, theo HSBC, ngân sách quốc gia của Việt Nam sẽ giảm do tình trạng tăng trưởng yếu cũng như giá dầu thô thấp. Thâm hụt ngân sách của Việt Nam trong năm 2009 dự đoán ở mức 8% GDP và năm tiếp theo là 5% GDP.
Về tình hình kinh tế châu Á nói chung, HSBC dự báo tăng trưởng GDP thực của cả khu vực sẽ giảm từ 3,9% của năm 2008 xuống mức 0,1% trong năm 2009 và tăng lên 4,8% vào năm tới.
Các quốc gia duy trì được khoảng cách tăng trưởng nhỏ trong 3 năm 2008, 2009, 2010 trong khu vực gồm Trung Quốc (lần lượt là 9,0% - 7,8% - 8,5%), Ấn Độ (6,7% - 6,2% - 8,0%), Việt Nam (6,2% - 4,5% - 6,5%). Các nền kinh tế có tăng trưởng âm trong năm 2009 gồm Nhật Bản (-6,5%), Singapore (-7,0%), Đài Loan (-6,2%) và Thái Lan (-3,5%). Tuy nhiên, HSBC cho rằng sự phục hồi kinh tế của châu Á vẫn sẽ khó khăn do nhiều nguy cơ. Ngoài những nguy cơ hiển nhiên là có thể sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn từ bên ngoài, châu Á cũng sẽ phải đối mặt với 2 nguy cơ nội tại liên quan đến thị trường lao động và sự giảm phát trong khu vực.