Huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển KT-XH đạt kết quả tích cực

Theo đánh giá, khả năng huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa tương xứng tiềm năng.
 
Theo dự thảo đề án, sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Tăng trưởng kinh tế được duy trì liên tục, đạt trung bình 6,8%/năm trong giai đoạn 2000-2010 và 5,8%/năm trong giai đoạn 2011-2015. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng tích cực, với vai trò ngày càng quan trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ.
 
Đề án cũng chỉ rõ  những kết quả tích cực trong việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước về huy động nguồn lực xã hội phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội như:
 
Thứ nhất, quy mô vốn đầu tư huy động được liên tục tăng, kể cả khi loại trừ yếu tố tăng giá. Tỷ lệ vốn đầu tư so với GDP thường xuyên duy trì ở mức trên 30% GDP trong hơn 30 năm qua, được đánh giá ở mức cao so với nhiều nước và khu vực trên thế giới (cao nhất lên tới 42,7% GDP năm 2007). 
 
Theo đó, vốn đầu tư phát triển là nhân tố đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế (giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng GDP bình quân đạt 6,3%/năm, trong đó đóng góp của vốn là 78,2%; giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ này là 5,9%/năm và 52,0%).
 
Thứ hai, thị trường tài chính vận hành ổn định, an toàn, thanh khoản được đảm bảo và điều tiết hiệu quả hơn. Thứ ba, cơ cấu nguồn vốn theo thành phần kinh tế đã có bước chuyển dịch quan trọng. Nổi bật nhất là sự gia tăng mạnh mẽ của đầu tư từ khu vực kinh tế ngoài nhà nước.
 
Ngoài ra, cùng với việc thu hút nguồn lực của khu vực tư nhân, chính sách mở cửa nói chung và kết quả thu hút vốn FDI đã có tác động lan tỏa vào việc nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng quản lý và chất lượng nguồn nhân lực trong nước.
 
Tuy nhiên, đề án cũng cho biết, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, việc huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư cũng còn một số hạn chế, bất cập.
 
Hạn chế đầu tiên và cũng là hạn chế lớn nhất chính là thể chế cạnh tranh thị trường chưa có vai trò quyết định trong quá trình huy động, phân bổ và sử dụng nguồn lực sản xuất quan trọng, đặc biệt là về vốn và đất đai. 
 
Khả năng huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, và chưa giúp bù đắp cho sự sút giảm của đầu tư công. Nguồn lực của khu vực tư nhân (đặc biệt là các hộ gia đình) cho hoạt động đầu tư vẫn còn khá nhiều, song phân tán và chưa có thống kê đầy đủ.
 
Bên cạnh đó, đề án cũng chỉ rõ, công tác cổ phần hóa DNNN tiến hành chậm, thiếu thực chất, giá trị vốn Nhà nước thu về từ tái cơ cấu chiếm tỷ trọng nhỏ trong nguồn vốn đầu tư tại các DN.
 
Một hạn chế nữa được ban soạn thảo đề án đề cập chính là sự thiếu liên kết của khu vực DN FDI với khu vực kinh tế tư nhân trong nước đã hạn chế hiệu ứng lan tỏa về tiếp thu công nghệ, kinh nghiệm quản lý và cải thiện năng suất của các DN trong nước, trong khi đây là mục tiêu quan trọng trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam.
 
Ngoài ra, vai trò của Nhà nước trong điều hành kinh tế vĩ mô còn chậm đổi mới. Nguồn lực tài chính cho đầu tư phát triển còn bị phân mảnh ở nhiều ngành, lĩnh vực hoặc theo thành phần kinh tế, gắn với một chính sách ngành quá dàn trải, kém hiệu quả.