Kêu gọi đầu tư hơn 60 dự án trọng điểm tại ĐBSCL và TPHCM
Ông Thắng cho biết, khu vực vùng ĐBSCL gồm 13 tỉnh, thành phố, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, thủy sản hàng hóa lớn, hằng năm đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu…
Tuy nhiên, theo ông Thắng, dù có nhiều lợi thế như tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn lao động dồi dào, môi trường đầu tư thông thoáng… nhưng thực tế đến nay, hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại của khu vực ĐBSCL còn hạn chế, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thấp, hoạt động giao thương với TPHCM chưa đáp ứng yêu cầu.
Hoan nghênh các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tìm hiểu thông tin về các dự án trọng điểm đang mời gọi đầu tư tại ĐBSCL, lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cũng đề nghị doanh nghiệp phản ánh rõ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, đầu tư... tại khu vực, giúp cơ quan Nhà nước kịp thời có giải pháp tháo gỡ.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng khẳng định TPHCM luôn hoan nghênh các doanh nghiệp trong nước và quốc tế đến Thành phố tìm kiếm cơ hội kinh doanh, hợp tác cùng phát triển.
Theo ông Nguyễn Thành Phong, phương châm của TPHCM hiện nay là “Xxem thành công của các doanh nghiệp là thành công của chính mình”, do đó, lãnh đạo Thành phố cam kết thời gian tới, TPHCM sẽ có thêm nhiều chính sách cởi mở, hỗ trợ doanh nghiệp; quyết tâm cùng với các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, phục vụ doanh nghiệp phát triển.
Dịp này, các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và TPHCM đã giới thiệu 69 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư. Theo đó, TPHCM kêu gọi đầu tư vào các dự án: Tuyến metro số 2, tuyến đường sắt trên cao số 2, dự án khu dịch vụ thương mại và hỗ trợ kỹ thuật, dự án xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao lĩnh vực thủy sản tại Cần Giờ và các dự án sản xuất công nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp.
Các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL kêu gọi đầu tư 63 dự án lớn. Trong đó, có 34 dự án thuộc các lĩnh vực phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư nhà máy sản xuất, chế biến nông-thủy sản và xây trung tâm thương mại nông sản, 11 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn. Còn lại là các dự án phát triển khu công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ và hạ tầng giao thông.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay, khu vực ĐBSCL đã thu hút được 1.205 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD. Riêng trong năm 2015, đã có 29 dự án lớn được triển khai tại khu vực, với tổng vốn đầu tư xấp xỉ gần 90.000 tỷ đồng.
Về tiềm năng khai thác phát triển vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020, hiện vẫn còn những diện tích lớn chưa khai thác phủ kín ở Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, Nam sông Hậu và vùng đất mũi Cà Mau. Do đó tiềm năng đầu tư nông, ngư nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ vào các vùng nguyên liệu ở ĐBSCL luôn rộng mở cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp.