Khởi động làn sóng FDI đầu tư vào y tế
Báo Bloomberg mới cho biết, Tập đoàn Fortis Healthcare đang tiến hành cuộc đối thoại để mua cổ phần kiểm soát tại Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ của Việt Nam. Theo đó, các cổ đông của Hoàn Mỹ có kế hoạch bán hơn 50% cổ phần của Tập đoàn trong thỏa thuận định giá Hoàn Mỹ khoảng 100 triệu USD.
Hoàn Mỹ hiện quản lý 5 bệnh viện, 2 phòng khám và nhiều cơ sở khác tại Việt Nam. Được biết, tháng 10/2009, Quỹ DWS Vietnam Fund thuộc Ngân hàng Deustche Bank và Tập đoàn VinaCapital, mỗi quỹ đầu tư 10 triệu USD vào Tập đoàn Hoàn Mỹ.
Vụ mua bán này sẽ giúp Fortis Healthcare tăng sự hiện diện tại châu Á, nơi được Cơ quan phân tích kinh tế EIU thuộc Tạp chí Economist dự báo có chi phí y tế tính đầu người sẽ tăng 55% trong giai đoạn 2010 – 2015.
Trước đó, vào tháng 10/2010, Fortis Global Healthcare Holdings cũng đã mua lại Quality HealthCare Asia trụ sở tại Hồng Kông, với giá khoảng 1,5 tỷ đôla Hồng Kông (tương đương 192,5 triệu USD).
Hiện tại, các bên liên quan từ chối bình luận về thương vụ mua cổ phần của Hoàn Mỹ. Đại diện của VinaCapital cho biết, vụ Fortis Healthcare mua cổ phần tại Hoàn Mỹ chưa đi đến kết thúc và nếu không có gì thay đổi thì đến trung tuần tháng này sẽ có những thông tin cụ thể hơn. Còn theo một nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, lãnh đạo của các bên đã làm việc với nhau tại Ấn Độ, nhưng chưa gặp gỡ tại Việt Nam để hoàn thiện những vấn đề về pháp lý và tài chính.
Lý do thương vụ Fortis Healthcare mua cổ phần chi phối tại Bệnh viện Hoàn Mỹ được chú ý bởi hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực y tế khá “im hơi lặng tiếng”, so với sự sôi động của thị trường tài chính, chứng khoán hay bất động sản. Tuy nhiên, trên thực tế, trước đó đã có sự hiện diện của không ít nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực y tế.
Chẳng hạn, Công ty TNHH Y tế Viễn Đông, chủ đầu tư Bệnh viện Pháp – Việt tại TP.HCM đang tiếp tục mở rộng quy mô, sau gần 5 năm đi vào hoạt động. Đại diện của Bệnh viện Pháp – Việt cho biết, Bệnh viện đang xây dựng mở rộng thêm 3 tầng lầu. Việc xây dựng mở rộng tòa nhà này sẽ cung cấp thêm cho bệnh viện 28 phòng khám mới. Sau khi hoàn tất, tòa nhà thứ hai sẽ có tất cả 33 phòng khám và có thể đón 500 bệnh nhân/ngày, bên cạnh 850 – 1.000 bệnh nhân ngoại trú/ngày của tòa nhà chính hiện nay. Dự kiến, tòa nhà mở rộng này sẽ hoàn chỉnh vào cuối tháng 9/2011.
Các tỉnh lân cận TP.HCM như Đồng Nai, Bình Dương cũng đang trở thành “điểm ngắm” của nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác. Theo ông Nguyễn Trung Thành, Đại sứ Việt Nam tại Singapore, ngoài việc khai thác lĩnh vực kinh tế, Việt Nam còn có thể tận dụng dòng vốn đầu tư trực tiếp từ các tập đoàn y tế hàng đầu của Singapore, bởi phía đối tác cũng đang thể hiện ý định đầu tư các bệnh viện tại một số địa phương, như Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Hải Phòng.
Được biết, Bệnh viện Nhi – Phụ sản quốc tế Hạnh Phúc (Thị xã Thuận An, Bình Dương) đang có ý định mở rộng ra Hà Nội, nhưng chưa tìm được quỹ đất thích hợp. Trong khi đó, nhà điều hành và quản lý bệnh viện này là Tập đoàn y tế Thomson Medical Centre (Singapore) cũng mong muốn mở rộng sự hiện diện tại Việt Nam. Theo một nguồn tin riêng của Báo Đầu tư, Thomson Medical đang là một trong những ứng cử viên để trở thành nhà tư vấn, quản lý cho một dự án bệnh viện tại Khu đô thị mới Nam Thăng Long (Ciputra Hà Nội) và họ đang tìm đối tác trong lĩnh vực y tế để tiếp tục hợp tác.
Nói về tiềm năng của lĩnh vực y tế tại Việt Nam, ông Allan Yeo, Giám đốc điều hành Bệnh viện Hạnh Phúc cho hay, với dân số đông, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng. Ngoài ra, đội ngũ bác sĩ Việt Nam có nền tảng tốt, nhưng trang thiết bị tại các bệnh viện chưa tốt, nên nhà đầu tư nước ngoài có nhiều cơ hội để hợp tác đầu tư.
Ông Allan Yeo cho biết thêm, trong số các nhà đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực y tế tại Việt Nam, Singapore được đánh giá là có tiềm năng nhất. Mới đây, Parkway Health (Singapore), tập đoàn y tế tư nhân hàng đầu châu Á đã hiện diện tại Việt Nam, với việc trở thành nhà quản lý cho Khu y tế kỹ thuật cao TP.HCM (do liên doanh Hoa Lâm – Shangri-La đầu tư).