Không dùng ngân sách nhà nước, không tiếp tục đầu tư trực tiếp vào các dự án yếu kém ngành công thương
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về xử lý các tồn tại yếu kém, không hiệu quả của một số dự án và doanh nghiệp ngành Công Thương.
Thông báo kết luận nêu rõ, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước được giao nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thiết yếu, sản xuất nhiên liệu xăng dầu, hóa dầu, phân bón, thép, giấy,…phục vụ cho nền kinh tế, sản xuất và đời sống nhân dân.
Trong những năm qua cùng với sự phát triển của đất nước, các doanh nghiệp nhà nước có sự phát triển lớn mạnh, giữ vai trò chủ đạo, góp phần quan trọng trong khai thác tài nguyên, tiên phong thực hiện các mục tiêu, chương trình phát triển và điều hành của Chính phủ để phát triển kinh tế, xã hội thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, đóng góp cho ngân sách, xây dựng đất nước.
Tuy nhiên thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong bối cảnh những khó khăn chung của kinh tế thế giới, khu vực và trong nước nhu cầu về các nguyên liệu, sản phẩm thiết yếu thay đổi, tính cạnh tranh ngày càng quyết liệt, trong khi đó công tác dự báo, đánh giá thị trường của các Tập đoàn, Tổng công ty còn hạn chế, trong đó có nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến chi phí sản xuất cao, thua lỗ lớn đã xảy ra và còn tiếp tục thua lỗ trong thời gian tới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong bối cảnh như vậy, cần bình tĩnh nhìn nhận, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp một cách khách quan, toàn diện để từ đó có giải pháp xử lý phù hợp, khẩn trương, kiên quyết nhằm sớm ổn định hoạt động các doanh nghiệp theo đúng chủ trương tái cơ cấu các doanh nghiệp của Chính phủ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới xử lý các tồn tại, yếu kém, không hiệu quả các dự án, doanh nghiệp theo nguyên tắc khẩn trương, triệt để, tổn thất ít nhất thất thoát tài sản nhà nước, theo nguyên tắc thị trường. Không để đổ vỡ ảnh hưởng đến hiệu quả doanh nghiệp khác.
Phân loại từng dự án để xử lý cho phù hợp, không dùng ngân sách nhà nước, không tiếp tục đầu tư trực tiếp vào các dự án, các Tập đoàn, Tổng công ty chủ động cân đối nguồn lực để giải quyết khó khăn, vướng mắc của các dự án và chịu trách nhiệm về hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo từng đơn vị để xử lý các dự án, xem xét kỹ, toàn diện các mặt để có phương án xử lý sớm nhất, đồng bộ, hiệu quả tránh thất thoát tài sản nhà nước.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý các vướng mắc, tồn tại, yếu kém của các dự án, doanh nghiệp lớn thuộc ngành công thương.
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng Ban chỉ đạo.
Phó Trưởng ban gồm: Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (Phó trưởng Ban thường trực); Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Các Ủy viên gồm một Thứ trưởng hoặc cấp tương đương của các Bộ, cơ quan: Bộ Công Thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Tư pháp; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Công an; Bộ Khoa học và Công nghệ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Văn phòng Chính phủ; Ban Chỉ đạo đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước; mời một Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương tham gia Ban Chỉ đạo; mời một Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham gia Ban Chỉ đạo; mời một Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước tham gia Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo Bộ Công Thương, các Tập đoàn, Tổng công ty và các đơn vị liên quan thực hiện các yêu cầu cụ thể và các giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại các văn bản liên quan để xử lý các vướng mắc, khó khăn; đánh giá năng lực sản xuất của các doanh nghiệp trong nước, cũng như tình hình nhập khẩu, tiêu thụ sản phẩm có liên quan đến từng dự án để đề xuất những giải pháp cụ thể cho từng dự án, nghiên cứu vận dụng các qui định linh hoạt trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia để bảo vệ tốt nhất thị trường trong nước, phù hợp với các cam kết quốc tế; rà soát và đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp, kiểm soát chi phí sản xuất giảm giá thành sản phẩm; đàm phán với các đối tác về phương án hợp tác đầu tư và chuyển nhượng dự án.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các Bộ ngành, các Tập đoàn, Tổng công ty đánh giá kỹ hơn, rõ hơn toàn bộ dự án từ chủ trương đến việc thực hiện đầu tư, vận hành dự án, đặc biệt về công nghệ xem xét tính đồng bộ của công nghệ, thiết bị sử dụng, đội ngũ cán bộ quản lý dự án, chất lượng nhà thầu; có biện pháp xử lý dứt điểm đối với các dự án nhà thầu chậm tiến độ, không đúng cam kết; kiểm tra lại sự phù hợp của tăng vốn đầu tư của từng công đoạn từng dự án, xác định rõ nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục và đề xuất xử lý các vi phạm.
Đồng thời, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ thực trạng hoạt động, thực trạng tài chính của các doanh nghiệp, dự án làm căn cứ xây dựng các phương án tái cơ cấu, xử lý cụ thể đối với từng dự án, doanh nghiệp và làm rõ sai phạm, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo qui định của pháp luật.