Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM phải cao về công nghệ, thoáng về thủ tục

Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM phải cao về công nghệ, thoáng về thủ tục

Vướng mắc công nghệ cao

Giám đốc BQL Trần Phước Dũng cho biết, Khu NNCNC hình thành trước khi Luật Công nghệ cao (CNC) ra đời, nhưng nhìn chung Khu NNCNC hoạt động với chức năng và nhiệm vụ khá phù hợp về ứng dụng CNC. Ngoài nhiệm vụ nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ, Khu NNCNC còn có nhiệm vụ kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp ứng dụng CNC vào đầu tư. Chính những dự án với CNC và hiệu quả kinh tế thu được là mô hình tốt cho các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp, nông hộ học tập. Nhờ đó, mang ý nghĩa lan tỏa công nghệ, tạo thành vùng sản xuất ứng dụng CNC cho TPHCM và các tỉnh xung quanh; thu hút vốn đầu tư; thu hút lao động và nâng cao trình độ trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC.

Khu NNCNC hiện tại (88,17ha) tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi chỉ dành cho lĩnh vực trồng trọt, theo hướng nông nghiệp đô thị: ứng dụng CNC trong nhân giống và sản xuất lan, hoa, cây kiểng; nhân giống và sản xuất rau các loại; sản xuất nấm (ăn, dược liệu) và chế phẩm sinh học nông nghiệp.

Dù chưa chính thức khánh thành, nhưng dự báo Khu NNCNC sẽ không đủ diện tích nếu tất cả dự án của nhà đầu tư đăng ký được chấp thuận. Vì vậy, theo tiến sĩ Dương Hoa Xô, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM, cần phải chọn lọc kỹ nhà đầu tư, nhất là về mặt công nghệ và tiềm lực, để loại trừ tình trạng nhà đầu tư vào để đầu cơ đất. Một vướng mắc khác đã được Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ - Tiến sĩ Phan Minh Tân đề cập đến đó là việc Luật Công nghệ cao ra đời trên 1 năm nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Vì thế chưa có tiêu chí cụ thể để định lượng thế nào là CNC.

Thủ tục kéo dài, nhà đầu tư nản

Trong 2 năm 2008 và 2009 có 27 dự án trong và ngoài nước đăng ký vào Khu NNCNC với nhu cầu sử dụng trên 100ha, nhưng diện tích dành cho nhà đầu tư thực tế chỉ có 56,53 ha, nên BQL Khu NNCNC TPHCM chỉ ký hợp đồng 11 dự án phù hợp với diện tích sử dụng 56,36ha với tổng vốn đầu tư các dự án trên 370 tỷ đồng. Nhưng do thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư kéo dài nên hiện còn 9 nhà đầu tư với diện tích là 44,64ha. Trong số này có 5 nhà đầu tư đang chờ cấp giấy chứng nhận. Đến nay có 4 nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận, tuy còn phải qua thủ tục hợp đồng thuê đất. Trong khi chờ các thủ tục tiếp theo, với sự đồng ý của UBND TP, BQL đã chấp thuận 3 nhà đầu tư xây dựng, trong đó 2 đơn vị vừa xây dựng vừa sản xuất gồm: Công ty Cổ phần và Đầu tư Nhiệt Đới, thuê 20,47ha, vốn đầu tư 162,4 tỷ đồng, chuyên sản xuất các giống rau, hiện nay đã có sản phẩm. Công ty TNHH Nông nghiệp Chánh Phong với diện tích thuê 2ha, vốn đầu tư 9 tỷ đồng, sản xuất giống, chủ yếu ớt F1. Riêng Công ty TNHH Rau sạch Việt Thụy Phát sản xuất rau sạch theo công nghệ nhà kính châu Âu, đang xây dựng cơ sở vật chất.

Có thể nói, đây là những dự án với công nghệ thật sự cao và tiên tiến. Ông Trần Phước Dũng cho rằng, những mô hình sản xuất ứng dụng CNC và hiệu quả kinh tế mang lại của các DN tại Khu NNCNC đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp TPHCM, cũng như góp phần phát triển việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp mà TPHCM là đầu tàu cho cả khu vực.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín nhấn mạnh, việc xây dựng Khu NNCNC với mục tiêu cuối cùng là mời gọi nhà đầu tư vào, phải sử dụng CNC và mới (khác công nghệ truyền thống) đòi hỏi phải đầu tư chất xám, thiết bị… để tạo ra giống mới, chất lượng và hiệu quả hơn. Do đó, ông giao các sở ngành liên quan cập nhật, bổ sung và xem xét cơ chế chính sách để hoàn thiện về Khu NNCNC, khuyến khích nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài đến đây.