Khủng hoảng và cơ hội cải cách cho FDI
Theo GS-TS Nguyễn Mại, trong năm 2009, luồng vốn FDI sẽ không thể tiếp tục xu hướng tích cực như trong giai đoạn 2005 – 2008 vì những lý do sau:
Thứ nhất, trên bình diện quốc tế, theo dự báo của tất cả các tổ chức tài chính quốc tế, luồng vốn FDI sẽ sụt giảm. Các nước có đầu tư ra nước ngoài đều quan tâm đến tình hình trong nước của họ. Vấn đề thất nghiệp, tình hình nội địa, kích cầu trong nước sẽ là những vấn đề chính mà chính phủ các nước buộc phải đưa ra những mệnh lệnh yêu cầu các doanh nghiệp của họ quan tâm trước tiên. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp đang rất lớn, ví dụ Chính phủ Anh công bố tỷ lệ này năm 2008 là 11%.
Thứ hai, giá cả thị trường thế giới được dự báo sẽ giảm 20% trong 2009, và chỉ phục hồi nhẹ 0,5% vào 2010. Điều này không có lợi cho các nhà đầu tư, nên họ sẽ cân nhắc khi triển khai dự án.
Thứ ba, các nhà đầu tư lớn buộc phải điều chỉnh chiến lược toàn cầu, người ta buộc phải tìm đến những nơi thuận lợi hơn, có thể vẫn là châu Á, nhưng không thể thực hiện như trước khủng hoảng.
Thứ tư, là các ngân hàng đối mặt với khó khăn sẽ thận trọng hơn với các khoản tín dụng dành cho giới đầu tư. Thông thường, 70% vốn đầu tư nhờ tín dụng ngân hàng, chỉ có 30% còn lại là do các nhà đầu tư bỏ ra. Các ngân hàng thận trọng và khắt khe hơn với các điều kiện tín dụng cũng sẽ làm giảm luồng vốn.
Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, theo tôi Chính phủ cần lưu ý tranh thủ cơ hội mới. Một số nhà đầu tư Trung Đông đang quan tâm đến Việt Nam. Chúng ta nên vừa quan tâm tới các nhà đầu tư cũ, vừa phải tìm cơ hội mới. Do đó, cần chuyển cả hệ thống để đảm bảo thích hợp với nhà đầu tư mới. Hãy nhìn sang Thái Lan, họ có hệ thống phục vụ cho nhà giàu Nhật Bản, nhà giàu Trung Đông, trong khi vẫn duy trì cách phục vụ với các nhà đầu tư bình thường khác.
Cơ hội cải tổ
Từ khi Chính phủ phân cấp cấp phép cho chính quyền địa phương, tôi thấy nhiều chính quyền địa phương đã đặt lợi ích địa phương lớn hơn lợi ích quốc gia. Ví dụ, chúng ta có quá nhiều sân golf, nhà máy xi măng, và sắt thép. Chính phủ cần phải đặt lại vấn đề, là địa phương phải phục tùng lợi ích quốc gia.
Phân cấp phải gắn với nâng cao năng lực. Không thể phân cấp đồng bộ như nhau mà phải tuỳ theo năng lực của chính quyền địa phương để đảm bảo hiệu quả kinh tế. Đây là cơ hội lớn để đặt lại vấn đề.
Tỉnh Đăk Nông đang rất muốn làm một nhà máy luyện bauxit alluminium. Đây là điều đáng bàn về nhiều góc cạnh, nhưng theo tôi, để một nhà máy ở gần biển sẽ tốt.
Chúng ta không thể thu hút bất kỳ một dự án nào bằng mọi giá. Việt Nam ta quá thừa sắt, thép, xi măng, những dự án luôn đe doạ môi trường. Các nước công nghịêp hoá đi sau cần phải học thất bại của những nước công nghiệp hoá đi trước. Chúng ta có quyền lựa chọn những dự án có lợi nhất trong quá trình toàn cầu hoá.
Các bộ cần chú ý đến lập quy hoạch vùng, ngành. Nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế không hề dựa trên quy hoạch. Nhiều địa phương cứ tiếp tục phát triển, mà không thấy là có đến 60% các khu công nghiệp chưa được lấp đầy.
Trong điều kiện hiện nay, các bộ cần phân các dự án đầu tư ra làm ba loại: một là các dự án có triển vọng thực hiện, những dự án này nếu gặp khó khăn thì các bộ, ngành nên giúp đỡ họ.
Với những dự án thu hẹp phạm vi, dãn tiến độ, các bộ ngành cần xem họ bao giờ làm, thu hẹp như thế nào, cùng với họ có kế hoạch cụ thể, chứ không thể để họ muốn làm lúc nào cũng được.
Với những dự án không có khả năng thực hiện, cần kiên quyết rút giấy phép, không nên chờ đợi. Chúng ta đã quá kiên nhẫn chờ đợi và có quá nhiều dự án kéo dài từ 2001 đến nay mà không có động tĩnh gì.
Trong điều kiện khủng hoảng hiện nay, hỗ trợ các nhà đầu tư thực hiện dự án là cách tuyên truyền tốt nhất đến các nhà đầu tư tiềm năng khác, lôi kéo họ đến làm ăn.
Khắc phục khó khăn trong nước
Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm tới được Quốc hội thông qua là 6,5%, nhưng lại được IMF dự báo chỉ khoảng 5%.
Bản thân tôi cho rằng, trong cơn khủng hoảng này, chính phủ không nên dựa vào tốc độ tăng trưởng cao mà nên đặt kịch bản tăng trưởng thấp để làm cơ sở đề ra các giải pháp có lợi và thiết thực hơn. Nếu ta sử dụng kịch bản lý tưởng thì giải pháp có thể sẽ không giải quyết được những diễn biến của kịch bản xấu nhất.
Từ 2006 đến nay thu nhập dân cư giảm 30%, điều này sẽ tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam trong năm tới, và khó có thể đảm bảo xu hướng phát triển nhanh như trong giai đoạn 2005 – 2008.
Nhưng trong cái khó ló cái khôn, khủng hoảng là cơ hội để thực hiện cải cách mạnh mẽ và toàn diện. Hãy nhìn sang Hàn Quốc, họ đã chịu khủng hoảng nặng nề những năm 1997, và đã cải cách mạnh mẽ. Đến năm 2002 thì quốc gia này bắt đầu tăng trưởng nhanh.
Trong khủng hoảng bao giờ cũng ló lên vấn đề cần cải cách. Tôi hy vọng, bước vào 2009 với triển vọng không mấy sáng sủa, nhưng Việt Nam chúng ta vẫn tìm ra cơ hội để vượt qua.