Kiên trì với tăng trưởng bền vững
“Chúng ta đã thấy rõ ngân sách rất eo hẹp, nguồn thu ngày càng khó khăn trong khi nhu cầu đầu tư lớn dẫn đến tình trạng vay nợ nhiều và tăng phát hành trái phiếu Chính phủ”, ông Thiên nói khi trả lời phỏng vấn báo chí.
Nhận định này của vị chuyên gia kinh tế cũng phù hợp với đánh giá của Chính phủ. Mới nhất, tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 ngày 5/8/2016, Chính phủ đã yêu cầu ra sức khắc phục khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu cũng đề ra. Tuy nhiên, Chính phủ cũng chỉ rõ: Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ còn hạn hẹp.
Bình luận về ý kiến cho rằng để thúc đẩy kinh tế có thể tăng khai thác dầu hoặc tăng đầu tư, TS Trần Đình Thiên cho rằng đề xuất này không mới, nhưng khó có nhiều hiệu quả thực tế trong điều kiện hiện nay do giá dầu thô chưa phục hồi vững chắc. Và nếu cứ muốn tăng trưởng lại khai thác dầu thì đi ngược với định hướng tái cơ cấu kinh tế theo hướng ít dựa vào khai thác tài nguyên thô.
Còn về giải pháp tăng đầu tư, TS Trần Đình Thiên cho rằng về nguyên tắc là đúng, nhưng cũng không thực tế với tình hình hiện nay, bởi ngay cả khi tăng đầu tư thì hiệu quả tăng trưởng cũng sẽ “trượt” sang năm sau chứ không đẩy được chỉ số tăng trưởng của năm nay.
Hơn nữa nếu Nhà nước cứ tăng đầu tư rồi lại tăng phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu trong nước, thì Nhà nước lại cạnh tranh hút vốn với DN tư nhân, trở thành người cản đường DN tư nhân trong lúc Chính phủ đang muốn vực khu vực DN này lớn mạnh.
“Vì vậy, chúng ta phải nhìn vấn đề tăng trưởng dài hạn hơn, không nên quá lo ngại chỉ vì năm nay có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng. Tất nhiên, chúng ta đang nỗ lực đưa nền kinh tế vượt khó khăn, nhưng không thể đòi hỏi kết quả tức thời mà phải kiên trì để hướng đến sự bền vững”, ông Thiên nói.
Vị Viện trưởng cho rằng để thúc tăng trưởng hiệu quả và bền vững, Chính phủ vẫn phải kiên trì mục tiêu ổn định vĩ mô như Thủ tướng khẳng định trước Quốc hội. Giải pháp căn bản hơn là phối hợp điều hành vĩ mô của 4 bộ tốt hơn, quyết liệt hơn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển mô hình tăng trưởng và quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh. Về mặt chiến lược hơn, như định hướng đúng đắn của Chính phủ, phải đầu tư cho phát triển bằng sáng tạo, bằng công nghệ, giá trị gia tăng cao hơn.
Trên thực tế, Chính phủ và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc luôn luôn nhấn mạnh yêu cầu ổn định kinh tế vĩ mô. Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, Chính phủ đã thẳng thắn thừa nhận đánh giá, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc và lạm phát có nguy cơ tăng. Lạm phát cũng tiếp tục là quan tâm của Chính phủ tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 6.
Theo các chuyên gia, những Nghị quyết này là những ví dụ cho thấy tuy quyết tâm phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP nhưng có thể hiểu rằng Chính phủ sẽ không mạo hiểm và không sẵn lòng đánh đổi lạm phát cũng như những bất ổn vĩ mô để lấy tăng trưởng.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhiều lần nhấn mạnh tinh thần khu vực kinh tế tư nhân phải ngày càng lớn mạnh và là động lực của tăng trưởng, Chính phủ sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất để tạo lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn.
Mặc khác, việc Chính phủ quyết liệt yêu cầu thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là xuất phát từ thực tế việc giải ngân đang chậm so với kế hoạch do các vấn đề thủ tục. Việc này hoàn toàn khác với việc thay đổi kế hoạch đầu tư và tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước, nhất là trong bối cảnh ngân sách gặp nhiều khó khăn như hiện nay.