Kinh doanh dịch vụ đòi nợ - ranh giới mong manh

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ - ranh giới mong manh
 
Trước những hoạt động tự phát của cá nhân, tổ chức trong việc thu hồi tài sản cho vay cũng như nhằm đưa hoạt động trên vào trật tự thì ngày 14/06/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Cho thấy kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ đã chính thức được Nhà nước công nhận là một nghành nghề trong hệ thống ngành nghề kinh tế quốc dân, mở ra một thời kỳ phát triển mới cho một loại hình kinh doanh nhạy cảm nhưng cũng không ít tiềm năng này, nhằm đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.
Để giới thiệu những quy định quan trọng nhất để giúp những ai đang hoặc có ý định kinh doanh trong lĩnh vực này nắm được, Ban biên tập Vnjurist đút kết như sau:
- Pháp luật quy định các công ty kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ sẽ không được kinh doanh trong các lĩnh vực khác. Đồng thời trong suốt quá trình hoạt động doanh nghiệp luôn phải duy trì số vốn pháp định là 2 tỷ đồng.
- Đối với người quản lý của doanh nghiệp đòi hỏi phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên thuộc các nghành nghề kinh tế, quản lý, pháp luật và an ninh ngoài các điều kiện về đầy đủ năng lực hành vi dân sự, không có tiền án và trong 3 năm trước liền kề không giữ chức danh quản lý trong công ty thu hồi nợ đã bị thu giấy phép hoạt động.
- Đối với nhân viên trong công ty thu hồi nợ phải có trình độ học vấn từ trung cấp trở lên trong lĩnh vực kinh tế, quản lý, pháp luật và an ninh ngoài ra phải có hợp đồng lao động từ 6 tháng trở lên và không có tiền án.
- Hồ sơ xin thành lập doanh nghiệp tương tự như đối với từng loại hình theo quy định của Luật doanh nghiệp 2005 ngoài ra do có quy định về vốn pháp định và điều kiện người quản lý nên trong hồ sơ xin thành lập phải có thêm:
+ Biên bản góp vốn (đối với công ty cổ phần, TNHH 2 thành viên trở lên); quyết định giao vốn (công ty TNHH 1 thành viên là tổ chức); bản đăng ký vốn (đối với công ty TNHH 1 thành viên là cá nhân và công ty tư nhân);
+ Biên bản xác nhận số tiền ký quỹ của ngân hang thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam hoặc chứng thư định giá tài sản của tổ chức định giá tài sản có chức năng hoạt động tại Việt nam.
+ Bản sao bằng tốt nghiệp và lý lịch tư pháp của người quản lý và giám đốc chi nhánh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ được cung cấp các dịch vụ sau:
- Đại diện cho trái chủ nhằm xác định khoản nợ, xác định nghĩa vụ của người thụ trái, đôn đốc; thu nợ; làm việc với tổ chức cá nhân liên quan để thu nợ;
- Đại diện cho người thụ trái để xác định các khoản nợ và biện pháp thu hồi nợ;
- Tư vấn pháp luật.
Doanh nghiệp không được phép cùng một thời điểm vừa làm đại diện cho trái chủ đồng thời làm đại diện cho người thụ trái.
Doanh nghiệp được phép thực hiện các biện pháp sau:
- Thực hiện các biện pháp thích hợp để thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan, xác định rõ các khoản nợ;
- Thông báo việc đòi nợ, hỗ trợ hoặc áp dụng các biện pháp phù hợp với pháp luật để khách nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ;
- Nhận tài sản liên quan để thực hiện các nghĩa vụ đối với khoản nợ.
Điểm căn bản tạo ra tính nhạy cảm của hoạt động kinh doanh này đó chính là phương thức để tiến hành giải quyết vụ việc. Thông thường luôn xuất hiện mâu thuẫn giữa trái chủ và người thụ trái dẫn tới không thể thoả thuận được về khoản nợ và nghĩa vụ trả nợ, do vậy cả người cho vay và người đi vay đều phải dựa vào một pháp nhân để thay mặt mình giải quyết khoản nợ. Về nguyên lý thì cả trái chủ và người thụ trái đều phải tôn trọng nghĩa vụ đã cam kết khi thực hiện giao dịch vay tài sản, tuy nhiên trên thực tế cả hai bên đặc biệt là đối với người đi vay luôn tìm cách lẩn trốn trách nhiệm, bất hợp tác dẫn tới khó khăn cho công tác giải quyết nợ.
 Pháp luật chỉ quy định là doanh nghiệp thu hồi nợ được thực hiện những biện pháp cần thiết phù hợp với luật pháp để giải quyết khoản nợ mà không quy định cụ thể, điều này đồng nghĩa với cho phép doanh nghiệp được tự do hoạt động dẫn tới việc áp dụng hành vi thái quá của doanh nghiệp gây nên hậu quả đáng tiếc mà một số doanh nghiệp đã mắc phải. Trước sự chống đối cũng như lẩn tránh trách nhiệm đặc biệt của người thụ trái đã tạo ra một gianh giới mong manh giữa “cần thiết” và “quá mức cần thiết” trong hoạt động thu hồi nợ. Vì vậy các doanh nghiệp thu hồi nợ cần phải được hỗ trợ của các cơ quan tư pháp có như vậy mới tránh được những sự việc đáng tiếc nói trên.