Kinh tế có nhiều yếu tố tích cực trong trung và dài hạn
Cộng đồng quốc tế coi Việt Nam là điểm sáng trong phát triển kinh tế không phải không có cơ sở, đó chính là trong nhiều năm qua, đặc biệt trong 3 năm gần đây Chính phủ liên tiếp ban hành 3 Nghị quyết 19/NQ - CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế cùng hàng loạt các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là Nghị quyết 35/NQ - CP mới được ban hành.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, thực thi Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và các luật khác có liên quan, thì quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp đã được mở rộng; mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh đã được nâng cao, đặc biệt là đã loại bỏ và giảm đáng kể các rào cản kinh doanh và chi phí cho doanh nghiệp. “Ngoài việc tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện các giải pháp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Theo đó đang xem xét các khả năng để giảm lãi suất cho vay, rà soát, kiểm soát và giảm ít nhất 20% phí giao thông đường bộ, thực hiện cho vay ngoại tệ đối với doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp xuất khẩu”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Chìa khóa để kinh tế phát triển bền vững chính là sự phát triển doanh nghiệp cả số lượng lẫn chất lượng
Nhiều khả năng tốc độ tăng trưởng GDP năm nay khó có thể đạt 6,7% như mục tiêu đã đặt ra, nhưng đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, ông Phan Ngọc Thọ vẫn tràn đầy hy vọng, kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong những năm tiếp theo nhờ phong trào “quốc gia khởi nghiệp” được đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động.
Theo ghi nhận của đại biểu Phan Ngọc Thọ, phong trào khởi nghiệp mặc dù chỉ mới được phát động, nhưng đang phát triển mạnh mẽ với sự tham sự gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh niên và doanh nhân trẻ. Ông Thọ cho rằng, khởi nghiệp được Thủ tướng xác định là hoạt động mang tầm quốc gia sẽ thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh theo hướng đổi mới, sáng tạo, tạo động lực và cơ hội để thúc đẩy thu hút đầu tư, tạo ra những sản phẩm mới có sức cạnh tranh, không chỉ thị trường trong nước mà mang tính chất quốc tế.
Tất nhiên từ phong trào đến thực chất là quãng thời gian rất dài, và để biến phong trào thành thực chất thì cần phải loại bỏ hàng loạt rào cản, bất cập. “Trong khi chưa có luật điều chỉnh những bất cập, chồng chéo trong các luật chuyên ngành nhằm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo lập môi trường đầu tư cạnh tranh cho các loại hình non trẻ này, Chính phủ cần rà soát các nội dung liên quan để kịp thời tháo gỡ, tạo hành lang pháp lý và đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp”, ông Thọ đề xuất.
Mặc dù cho rằng, sức khỏe của doanh nghiệp chưa thực sự được phục hồi, nhưng Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, sau khi Chính phủ mới được kiện toàn, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, gần như có một “làn gió đổi mới” của cải cách đã được hình thành và niềm tin vào môi trường kinh doanh lại một lần nữa được khơi dậy. “Quan trọng nhất là niềm tin đã trở lại, người dân và doanh nghiệp đã “ứng trước niềm tin” cho Chính phủ”, ông Lộc nhấn mạnh và cho rằng, chìa khóa để kinh tế phát triển bền vững chính là sự phát triển doanh nghiệp cả số lượng lẫn chất lượng.
Khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, theo ông Bùi Thanh Sơn mới chỉ là điều kiện cần để Việt Nam thực sự trở thành “điểm sáng” trong phát triển kinh tế, còn điều kiện đủ đó là phải chủ động hội nhập, trong đó hội nhập kinh tế phải được coi là trung tâm. “Chúng ta đã tham gia, ký kết và phê chuẩn nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA). Để tận dụng được cơ hội cũng như đối phó với thách thức đặt ra, cần có sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng và đồng bộ giữa Quốc hội và Chính phủ. Trong thời gian tới, Quốc hội sớm phê chuẩn các FTA đã hoàn tất quá trình đàm phán, trước mắt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đồng thời vận động cơ quan lập pháp các nước sớm phê chuẩn các FTA; sớm đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội đối với việc nội luật hóa các cam kết FTA. “Vấn đề không kém phần quan trọng nữa là phải nâng cao khả năng thực thi của các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp trong triển khai các FTA thì mới có thể tận dụng được các lợi ích mà FTA mang lại cũng như để ứng phó với các thách thức đặt ra”, chỉ có như vậy, kinh tế mới quay trở lại tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, mới thực sự là điểm sáng của kinh tế thế giới cũng như khu vực”, ông Sơn phát biểu.