Kinh tế phụ thuộc vào khối FDI sẽ bộc lộ bất ổn

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 7/2017 đạt 17,50 tỷ USD, giảm 1,7% so với tháng trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,90 tỷ USD, giảm 3,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kể cả dầu thô cũng chỉ đạt 12,60 tỷ USD, giảm 1%.

 
Nếu so với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 7 của Việt Nam đã tăng 17,9%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 13,1%; khu vực FDI (kể cả dầu thô) tăng 19,9%. Tính chung 7 tháng năm 2017, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 115,2 tỷ USD, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2016, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 14,6%; khu vực FDI đạt 83,0 tỷ USD, tăng 20,3%.
 
Kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI đạt 83,0 tỷ USD trong 7 tháng.(Ảnh minh họa: KT)
Kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI đạt 83,0 tỷ USD trong 7 tháng.(Ảnh minh họa: KT)
 
Chưa tận dụng được lợi thế từ FDI
 
Từ những con số thông kê ở trên có thể thấy, kim ngạch xuất khẩu khu vực doanh nghiệp FDI vẫn luôn ở thế “áp đảo” khi có mức tăng trưởng cao hơn rất nhiều so với khu vực kinh tế trong nước. Thực tế này cho thấy, khu vực FDI vẫn luôn được coi là nguồn lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
 
Nhận định về thực trạng cơ cấu xuất nhập khẩu hiện nay, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Vũ Hồng Thanh cho rằng, mặc dù Việt Nam đang có lợi thế so sánh tốt hơn nhiều nước ở khu vực ASEAN và Trung Quốc, trong quan hệ thương mại và đầu tư quốc tế, nhưng hiện cơ cấu xuất khẩu phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp FDI. Trong khi Việt Nam chưa có giải pháp căn cơ để tận dụng các cơ hội thuận lợi từ khối này để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với tốc độ cao hơn.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế hiện nay vẫn đang phụ thuộc nhiều vào ngoại lực, chủ yếu tập trung tại một số tập đoàn đa quốc gia lớn nên đang và sẽ bộc lộ những bất ổn, không bảo đảm tính bền vững.
 
Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng thừa nhận, mặc dù doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều ưu đãi, nhưng hầu như nền kinh tế trong nước hiện nay không khai thác được lợi thế của những doanh nghiệp này.
 
Trong khi đó, theo nhận định từ phía các chuyên gia kinh tế, khi tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá nhiều vào khối doanh nghiệp FDI sẽ khiến nền kinh tế mất tự chủ do nội lực ngày càng trở nên suy yếu.
 
Bởi vì, mục tiêu quan trọng nhất của việc thu hút đầu tư FDI chính là chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên đến nay, mới chỉ có 5% công nghệ cao được chuyển giao, 15% công nghệ trung bình, còn lại hơn 70% là công nghệ kém, lạc hậu cùng với việc sử dụng lao động phổ thông. Điều này khiến sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chỉ tạo ra 20% giá trị gia tăng và giá trị nội địa chỉ chiếm đến 10%.
 
Samsung “hắt hơi” - nền kinh tế “sổ mũi”
 
Là một tập đoàn lớn của Hàn Quốc có nhiều dự án đầu tư tại Việt Nam, Samsung thời gian qua đã đóng góp khá lớn vào kim ngạch xuất khẩu cũng như tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam.
 
Tuy nhiên mới đây, Tập đoàn này đã gặp sự cố đối với sản phẩm điện thoại Samsung Galaxy Note 7. Sau thu hồi cũng và dừng sản xuất, tập đoàn này đã mất trắng khoảng 17 tỷ USD. Sự cố của Samsung tất yếu ảnh hưởng không nhỏ đến tăng trưởng kinh tế nước nhà.
 
Theo cách so sánh của chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, việc Samsung bị sự cố và thiệt hại lớn đã cho thấy, chỉ cần một tập đoàn nước ngoài “hắt hơi” đã khiến nền kinh tế Việt Nam bị “sổ mũi”. Điều này chứng tỏ ảnh hưởng của khối doanh nghiệp FDI là rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
 
Chính từ thực tế hiện nay, giới chuyên gia kinh tế nhận định, các nhà quản lý cần sớm “tỉnh giấc” sau khi quá mải mê nhìn vào những con số xuất khẩu “ấn tượng”. Trong khi giá trị gia tăng hàng xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn khi kim ngạch xuất khẩu của khối FDI vẫn chiếm đến 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, đóng góp hơn 40% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam tiếp tục là minh chứng rõ nét.
 
Để khắc phục được sự chênh lệch không mong muốn trong kim ngạch xuất khẩu hiện nay, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, thực trạng này đang đòi hỏi các nhà quản lý cần sớm đưa ra những chính sách thiết thực, cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.
 
Trong đó tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành phải trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, đồng thời phải làm sao để Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ phát huy được hiệu quả./.