Kinh tế tháng 4: Dấu hiệu hồi phục

Theo báo cáo mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 4/2009, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4 ước đạt 55.470 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp, sản xuất công nghiệp đã tăng so với tháng liền kề. Tính chung 4 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 208.990 tỷ đồng, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,4%).
 
Tuy mức tăng 3,3% là thấp so với mức tăng của cùng kỳ năm trước, song theo đánh giá của ông Lê Đình Ân, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, thì trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp khó khăn lớn, mức tăng trưởng của ngành công nghiệp nước ta là khá so với các nước trong khu vực. “Trong tháng 3, sản lượng của 30/32 sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp đã giảm mạnh, nhưng đến tháng 4, chỉ còn 7/30 sản phẩm giảm.
 
Tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp tháng 3/2009 giảm 5 điểm phần trăm so với tháng 2/2009, thì đến tháng 4 chỉ còn giảm 0,28 điểm phần trăm so với tháng 3”, ông Ân phân tích và cho rằng, đây chính là một trong các dấu hiệu cho thấy sản xuất công nghiệp trong quý II có khả năng thoát khỏi đà suy giảm, và có thể phục hồi trong các quý tiếp theo của năm 2009.
 
Cùng với tín hiệu phục hồi sản xuất công nghiệp, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, sản xuất nông - lâm - thuỷ sản tiếp tục phát triển ổn định, lĩnh vực dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng khá…Trong đó, đáng chú ý là, hoạt động du lịch đã khởi sắc trở lại. Điều này có thể được chứng minh qua mức tiêu dùng của lĩnh vực dịch vụ trong tháng 4 đã tăng tới 31,6% so với tháng trước, đạt 1.168 tỷ đồng.
Không những vậy, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng đã bắt đầu tăng trở lại, ước đạt khoảng 305.400 lượt khách trong tháng 4, tăng 0,6% so với tháng trước. Đặc biệt, trong tháng 4, khách du lịch từ một số nước và vùng lãnh thổ đã tăng mạnh trở lại so với tháng 3, như: Australia (tăng 31,1%); Thái Lan (tăng 17,7%); Đài Loan (tăng 7,6%); Trung Quốc (tăng 5,1%)... Mặc dù tính chung trong 4 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam vẫn giảm 17,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt gần 1,3 triệu lượt người, song dấu hiệu hồi phục đã bắt đầu. Bên cạnh đó, dấu hiệu hồi phục của nền kinh tế cũng đã bắt đầu xuất hiện trong các hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như mức tăng của sức mua của nền kinh tế.
 
Không những vậy, nếu nhìn vào các chỉ tiêu kinh tế, như giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, dư nợ tín dụng…, đều có thể thấy những tín hiệu tích cực hơn trong tháng 4/2009. 3 tháng đầu năm, chỉ giải ngân được 1,44 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, thì trong riêng tháng 4, con số này đã là 760 triệu USD.
 
Tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán trong quý I chỉ là 5,6% so với cuối năm trước, thì chỉ sau đó 1 tháng, đã lên mức 11,4%. Dư nợ tín dụng cũng tăng từ 2,2% của quý I lên 11,2% sau 4 tháng đầu năm…
 
Ông Lê Đình Ân cho rằng, thời gian tới chính là khoảng thời gian các chính sách nới lỏng tiền tệ và kích cầu của Chính phủ bắt đầu phát huy tác dụng. Mặt bằng giá thế giới, nhất là giá xuất khẩu được dự báo có thể tăng trở lại vào cuối năm, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.
 
Cộng với việc tích cực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm sẽ được cải thiện… “Tất cả những yếu tố đó khiến chúng tôi dự báo rằng, tăng trưởng kinh tế trong quý II sẽ ở mức 3,5-3,8%, còn cả năm sẽ khoảng 4,5-5%”, ông Ân nhận định. Tuy vậy, bên cạnh những dự báo này, thì diễn biến của khủng hoảng và hồi phục kinh tế vẫn có những yếu tố phức tạp, chưa thể nắm bắt được. Chính vì vậy, ông Ân cho rằng, vẫn cần dự phòng những khả năng và tình huống xấu hơn để có sự chủ động, thích ứng cần thiết.